Doanh thu sụt giảm sâu, KBC vẫn muốn đầu tư thêm 2 KCN tại phía Nam

Theo báo cáo tài chính quý I, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) chứng kiến doanh thu sụt giảm 93% về 152 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh nghiệp này đang đề xuất đầu tư 2 khu công nghiệp (KCN) tại Cần Thơ.

Kinh Bắc đề xuất đầu tư 2 KCN với tổng vốn hơn 17.000 tỷ đồng

Mới đây, lãnh đạo TP Cần Thơ đã có buổi và làm việc với ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) về đề xuất triển khai đầu tư 2 khu công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ, gồm: Khu công nghiệp công nghệ cao Ô Môn và Khu công nghiệp Cờ Đỏ - Thới Lai.

Cụ thể, Khu công nghiệp CNC Ô Môn có quy mô 250 ha. Trong đó, khu ở đô thị thông minh 100 ha, quy mô lao động 10.000 người. Dự án tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng và công trình 4.200 tỷ đồng, tổng mức thu hút đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD với thời gian thực hiện 3 năm.

Các phân khu chức năng chính của dự án gồm: Trung tâm điều hành khu CNC; khu nhà máy sản xuất CNC; trung tâm nghiên cứu và ứng dụng CNC; khu vườn ươm công nghệ, đào tạo; khu cung ứng dịch vụ và kinh doanh sản phẩm CNC; khu ở, dịch vụ thông minh. Các ngành sản xuất CNC dự kiến gồm: Điện tử, AI, chip bán dẫn; công nghệ thông tin, viễn thông; cơ khí chính xác, tự động hóa; công nghệ sinh học, y tế, nông nghiệp, môi trường; năng lượng, vât liệu mới, công nghệ nano.

 Kinh Bắc muốn đầu tư 2 KCN tại Cần Thơ với tổng vốn đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Ảnh TCTC.

Kinh Bắc muốn đầu tư 2 KCN tại Cần Thơ với tổng vốn đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Ảnh TCTC.

Còn Khu công nghiệp Cờ Đỏ - Thới Lai quy mô 1.070 ha, chia làm hai giai đoạn; giai đoạn 1 thực hiện 498 ha và giai đoạn 2 là 572 ha. Trong đó, khu đô thị, dịch vụ và thể thao rộng 300 ha, quy mô lao động 35.000 người. Dự án tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng và công trình 12.800 tỷ đồng, tổng mức thu hút đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD với thời gian thực hiện 5 năm (giai đoạn 1 thực hiện 3 năm, giai đoạn 2 là 2 năm).

Đây sẽ là KCN tổng hợp đa ngành ưu tiên các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, tiết kiệm tài nguyên; đẩy mạnh công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ, có giá trị gia tăng cao, có thị trường để tiêu thụ sản phẩm, ít sử dụng lao động, ít gây ô nhiễm môi trường.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ đã hoan nghênh Đô thị Kinh Bắc triển khai và nghiên cứu bước đầu 2 dự án trên địa bàn thành phố; đồng thời cho biết các nội dung của dự án đã được lãnh đạo thành phố giao cho các sở, ngành phối hợp nghiên cứu và mong nhà đầu tư ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Về phía các sở, ngành thành phố, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ chỉ đạo Tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư thành phố xúc tiến các bước hỗ trợ cho nhà đầu tư tốt nhất; thực hiện nhanh nhất các quy hoạch 1/2.000 (chậm nhất tháng 9/2024 hoàn tất) Đồ án chung quy hoạch xây dựng TP Cần Thơ để trình Thủ tướng Chính phủ.

Riêng với hai dự án Khu công nghiệp CNC Ô Môn và Khu công nghiệp Cờ Đỏ - Thới Lai cần lưu ý, hạn chế thu hồi đất dân, tránh vị trí nào dân cư đông đúc; công tác tái định cư, thu hồi đất phải có những bước thực hiện chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, phù hợp theo Luật Đất đai (dự kiến có hiệu lực tháng 8/2024)…

Kinh Bắc lỗ trở lại sau 5 quý

Theo báo cáo tài chính quý I, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) chứng kiến doanh thu sụt giảm 93% về 152 tỷ đồng. Lãi gộp theo đó lao dốc 95% xuống 74 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp tương ứng giảm xuống dưới mốc 50%.

Công ty còn bị hụt hơn phân nửa doanh thu tài chính xuống 68 tỷ đồng. Công ty tiết giảm đáng kể các chi phí lãi vay và bán hàng, song chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng lên.

Kết quả, doanh nghiệp khu công nghiệp này báo lỗ sau thuế 77 tỷ đồng, chuyển biến xấu so với con số lãi nghìn tỷ cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần lỗ trở lại của Kinh Bắc sau 5 quý (lần lỗ gần nhất là -540 tỷ đồng trong quý IV/2022).

 Kết quả kinh doanh của Kinh Bắc thời gian qua.

Kết quả kinh doanh của Kinh Bắc thời gian qua.

Doanh nghiệp lý giải kết quả tiêu cực quý đầu năm chủ yếu do không còn ghi nhận thu nhập tài chính từ chuyển nhượng khoản đầu tư và giảm doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp.

Trong năm 2024, công ty phát triển khu công nghiệp này đặt kế hoạch tổng doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.000 tỷ đồng. Như vậy, với việc lỗ trong quý đầu năm 2024, Kinh Bắc còn cách rất xa mục tiêu đã đề ra.

Tổng tài sản doanh nghiệp vẫn tăng 18% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 5.903 tỷ đồng, lên 39.337 tỷ đồng. Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với 12.685 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 9.573 tỷ đồng.

Đáng chú ý là lượng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 8.095 tỷ đồng, cao gấp 3 lần thời điểm đầu năm. Phần lớn là tiền gửi ngân hàng ngắn hạn với 5.658 tỷ đồng (thời điểm đầu năm chỉ hơn 7 tỷ đồng), đây là khoản tiền gửi có kỳ hạn 4-12 tháng tại ngân hàng thương mại với lãi suất 3,5-6%/năm.

Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý I, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 9,4% so với đầu năm lên 4.069 tỷ đồng và bằng 20% vốn chủ sở hữu (đầu năm bằng 18% vốn chủ sở hữu). Vốn chủ sở hữu đạt 20.144 tỷ đồng, trong đó có 7.668 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Theo kế hoạch mở rộng mảng bất động sản KCN, năm nay, Kinh Bắc sẽ chuẩn bị quỹ đất công nghiệp mới tại các địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hậu Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu… với tổng diện tích dự kiến khoảng 3.500 ha đất khu công nghiệp và 650 ha đất khu đô thị.

Doanh nghiệp ước tính diện tích cho thuê đất khu công nghiệp trong năm 2024 khoảng 150 ha, đến từ KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu, KCN Tân Phú Trung, các CCN ở Hưng Yên, Long An và KCN Tràng Duệ 3. Bên cạnh đó, có một số dự án khu đô dự kiến được ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong năm và các KCN mới như KCN Lộc Giang, các cụm công nghiệp Long An có thể được đưa vào kinh doanh từ cuối năm 2024.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-thu-sut-giam-sau-kbc-van-muon-dau-tu-them-2-kcn-tai-phia-nam.html