Đọc Bên kia thời gian
Ra Giêng, thời khắc mới của một cột mốc thời gian mới. Lần giở tập hồi ký của người bạn- nhà giáo Phạm Úc, một thời đã qua lần lượt trở về. Mà, thực ra, làm gì có thời gian: đó chỉ là sản phẩm của tâm thức; cho nên, không hề có phía bên kia hoặc phía bên này. Nói Bên kia thời gian (*), thì chỉ là cách nói về một thái độ, một cách nhìn sự vật và cuộc đời hơn là sự phân định mang tính vật lý.
Nếu tập sách Từ chân núi Đá Tịnh (cùng tác giả, xuất bản năm 2015), qua những ghi chép chân thực về vài tập tục, về dăm ba nghề truyền thống, về các kỷ niệm tuổi thơ… ở một vùng quê huyện Quế Sơn, Quảng Nam đã gây được sự đồng cảm nơi người đọc, thì lần này, hơn 400 trang sách trong hồi ký lại đem người đọc vào một không gian thật nhỏ hẹp với tất cả những thống khổ của một chốn địa ngục trần gian: nhà tù; cụ thể hơn: nhà lao Hội An; và tiếp theo đó là những trang viết bồi hồi của cả một khoảng rộng tâm tình tác giả và những người thân yêu lúc ra khỏi tù, sau ngày quê hương được giải phóng.
Trong lời giới thiệu tập sách, nhà văn Hồ Sĩ Bình ghi nhận: "Bên kia thời gian được viết sau gần 50 năm với tâm thức nhìn lại quá khứ đã đủ độ bình tâm" để chia sẻ tâm tình với bạn đọc ngày nay. Và điều đáng lưu ý là, tác giả đã viết rất thực, không "cao giọng tự đề cao" hoặc không cường điệu hóa sự đấu tranh kiên cường của đồng đội trong tù hoặc sự tàn ác dã man của kẻ giam giữ.
Trong Lời tựa đầu sách, tác giả Phạm Úc đã xác định rõ: "Tôi không phải là người viết văn". Đó là sự thật, và là sự trung thực. Và, chính sự chân thực- chân thành ấy đã làm người đọc cảm động. Cũng giống như khi ta nghe một người hát dù không hay nhưng họ đã đặt tất cả tâm hồn vào tiếng hát nên vẫn khiến trái tim ta bồi hồi. Hoặc là, cũng gần giống như trường hợp, đôi khi ta tiếp xúc tác phẩm của một số người được gọi là nhà văn nhà thơ, khéo chữ và có tay nghề nhưng nếu họ đã đánh mất sự chân thực, thì người đọc dễ nhận ra sản phẩm ấy là… hàng giả. Đó chính là cái tâm nhận biết cái tâm, trong hành trình người đến với người, vượt qua khỏi những giới hạn mang tính chất gọi- là nghề nghiệp, cái tâm thái tiếp nhận mà thi sĩ Trần Dần từng nói: Tôi không thừa nhận một thứ thơ nào nhân tạo mà không có khổ đau và nổi loạn.
Người đọc sẽ không tìm thấy ở tập sách này những cách diễn đạt của một người viết chuyên nghiệp, nhưng những gì tác giả đã ghi lại sau năm năm nghĩ suy- trăn trở chắc chắn sẽ tìm thấy người chia sẻ, ít nhất là những đồng đội ngày nào. Và những trang viết mộc mạc chân thành này sẽ là một tư liệu cần thiết cho lớp người kế tiếp trong hành trình sống- suy nghĩ để làm người.
Có lẽ vì thâm cảm điều ấy, nên trên trang cuối, tác giả đã bày tỏ: "Bên kia thời gian không mang ý nghĩa gì to tát, chỉ ghi lại một số trong vô vàn hình ảnh và sự kiện xảy ra, mang theo bóng dáng tỏ mờ của những người chứng kiến và làm nên nó.
Và khi gấp sách lại, chắc bạn buồn.
Xin lỗi bạn về điều đó. Vì vốn chuyện tù là buồn".
Chuyện tù thì buồn, chuyện đời cũng chẳng hề… triền miên vui… Nhưng không phải ai cũng nhận- biết được như thế, hoặc biết mà không nói ra hoặc không dám nói ra. Nhưng, nói ra là để có thể nhận chân được rằng, lịch sử là sự bôi xóa nhưng đồng thời, cũng là sự lưu giữ. Để làm gì nếu không phải là để- không- quên. Không quên trong tinh thần không lưu giữ sự hận thù. Có thể, tác giả không hề có tham vọng gửi đến người đọc thông điệp gì (như theo một thói quen); nhưng chính khi không ghim giữ lòng thù hận, như một thái độ đạo đức cần thiết, thì điều này đã giúp tâm hồn người vươn cao, hướng về Tình Yêu Rộng. Cũng có nghĩa là, nếu Cái Đẹp sẽ cứu chuộc thế gian này, thì Tình Yêu là con đường duy nhất đem đến sự bình yên cho nhân loại.
Đà Nẵng tháng 2-2024
Nguyễn Đông Nhật
(*): Bên kia thời gian, Phạm Úc, NXB Hội nhà văn, 12-2023
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/doc-ben-kia-thoi-gian-post291038.html