Đọc cuốn sách này mới biết Thăng Long xưa sầm uất chẳng kém gì Venise hoa lệ
Hóa ra từ hồi thế kỉ 17, Thăng Long xưa từng được Alexandre de Rhodes ví von là 'thành phố lộng lẫy ngang hoặc hơn so với Venise'. Chưa hết đâu, đọc cuốn sách dưới đây sẽ làm bạn ngạc nhiên khi biết thêm nhiều điều hay ho về mảnh đất Kinh Kì - Kẻ Chợ.
Khi yêu một người, chúng ta luôn muốn hiểu sâu sắc về người đó, muốn khám phá những chặng đường họ đã qua, muốn biết về những năm tháng rực rỡ và cả những lúc thăng trầm, khó khăn.
Khi yêu một thành phố cũng vậy, hẳn là bạn sẽ muốn khám phá những điều thú vị ít người biết về mảnh đất ấy, về những thay đổi gắn liền với các biến động lịch sử, cùng với tâm lý, suy nghĩ của con người sống trong thời kỳ đó.
Và nếu Thăng Long - Hà Nội là thành phố trong tim bạn, là nơi bạn đang sống, đang yêu và luôn muốn thuộc về, vậy thì hãy dành chút ít thời gian cùng bộ sách Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ men theo dòng lịch sử, trở ngược lại giai đoạn từ thế kỉ XVI tới đầu thế kỉ XIX để khám phá một đô thành từng rực rỡ trong quá khứ.
Bộ sách Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ có 3 tập, gồm Thời Lê - Trịnh, Thời Tây Sơn và nhà Nguyễn, Thời Cận Đại. Trong đó, hai tập Thời Lê - Trịnh, Thời Tây Sơn và nhà Nguyễn hiện đã ra mắt độc giả nhân dịp Ngày Sách Việt Nam 2021.
Với cách kể chuyện khéo léo, linh hoạt cùng những lời bình hóm hỉnh của hai tác giả Nguyễn Huy Thắng và Nguyễn Quốc Tín, bộ sách Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ khắc họa đời sống nơi kinh thành một cách sống động, trôi chảy, nhiều màu sắc chứ không hề khô khan với đầy những con số và biến cố như nhiều cuốn sách lịch sử khác.
Nói về cách gọi “Kẻ Chợ” của Thăng Long, các tác giả lý giải: “Thời Lê Trung hưng, Đông kinh còn có tên là Kẻ Chợ. Ban đầu tên gọi này chỉ dành để chỉ khu vực buôn bán, sản xuất, gắn với đời sống dân sinh. Dần dần, người ta gọi chung cả kinh đô (Hoàng thành và phủ Chúa) là Kẻ Chợ, hoặc Thăng Long - Kẻ Chợ, để phân biệt với Thăng Long của các triều đại Lí, Trần.”
Có thể bạn sẽ phải ngạc nhiên khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes, một trong những người sáng tạo và truyền bá chữ Quốc ngữ trong đầu thế kỉ 17, từng trầm trồ về sự sầm uất và hoành tráng bậc nhất của Thăng Long thời bấy giờ. Ông ví von Thăng Long là “thành phố lộng lẫy ngang hoặc hơn so với Venise”.
Còn Jerôme Richard miêu tả: “Số lượng thuyền bè lớn lắm, đến nỗi rất khó mà lội được xuống bờ sông... ngay cả thành phố Venise với tất cả những thuyền lớn, thuyền nhỏ cũng không thể đem đến cho người ta một ý niệm về sự hoạt động buôn bán và dân số trên sông (như ở Thăng Long).”
Lời khen của Alexandre de Rhodes và Jerôme Richard hẳn có ít nhiều cơ sở khi mà thời Lê Trung hưng, Thăng Long lúc bấy giờ không chỉ là trung tâm chính trị - văn hóa, vừa có cung vua, phủ chúa, còn là trung tâm kinh tế của cả nước. Ở Thăng Long thời ấy tập trung tới 30 ngành sản xuất thủ công và là đầu mối thương nghiệp của cả nước, có sự góp mặt của thương nhân nhiều nước như Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha...
Thậm chí ở cửa sông Hà Khẩu (phố Hàng Buồm hiện nay) còn có hai thương điếm lớn của người Hà Lan và người Anh, biến Thăng Long thành điểm hẹn của giao thương quốc tế.
Ngày nay khi đi quanh Hà Nội, bạn sẽ thường bắt gặp những đoạn phố uốn cong, những góc phố gẫy khúc thật lạ lùng như ở Hà Trung, ngõ Hội Vũ, các phố Thợ Nhuộm, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát... Đó chính là dấu tích của những ngòi lạch ăn vào các đầm, hồ từng tạo thành mạng lưới giao thông thủy của Thăng Long một thời.
Chắc bạn sẽ bất ngờ khi biết vào thời ấy, khu vực 36 phố phường và cả phía nam của Hồ Gươm có rất nhiều ao hồ, chằng chịt sông ngòi thông nhau tạo nên cảnh trên bến dười thuyền đầy nhộn nhịp.
Trong đó, sông Tô Lịch chính là huyết mạch của Thăng Long. Khởi nguồn từ chỗ nay là phố Chợ Gạo, sông chảy dọc Nguyễn Siêu, rẽ qua ngõ Gạch rồi cắt Hàng Đường sang Hàng Cá. Nơi đây có một cây cầu gọi là Cầu Đông, hai ven sông được kè đá cho thuyền bè cập bến nên được gọi là Bến Đá Cầu Đông, là đầu mối giao thông của người Kẻ Chợ, cũng là điểm đến bốn phương của du khách khi đến Thăng Long.
Dòng chảy của sông Tô Lịch từ Hàng Cá chảy xiên lên phố Hàng Lược, tới khu vực vườn hoa Hàng Đậu ngày nay, dòng chảy rẽ trái dọc theo phố Quán Thánh qua cổng thành Cửa Bắc... nhờ đó các hoạt động buôn bán đường thủy vào thời Lê Trung hưng diễn ra vô cùng tấp nập.
Chia sẻ về bộ sách Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ, nhà văn Nguyễn Trương Quý cho biết anh ngạc nhiên về sự tươi trẻ của hai cuốn sách khi viết về đề tài già nua, cũ kỹ về thành cổ, về Hà Nội thời xưa. Đọc bộ sách này, người trẻ có thể hiểu thêm về cách các ông hoàng, bà chúa thời xa xưa đã ứng xử với thời cuộc, cách đối nhân xử thế, qua đó cho thấy số phận, tính cách của con người trong thời đại đó.
Đồng thời, người đọc sẽ có cách nhìn đa chiều về những nhân vật lịch sử, mường tượng được khung cảnh Thăng Long Hà Nội xưa qua những trang viết được chắt lọc từ nhiều nguồn tư liệu quý giá.
Ngoài bộ sách Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ, trong dịp kỉ niệm Ngày sách Việt Nam 2021, nhà xuất bản Kim Đồng còn cho ra mắt nhiều đầu sách hay dành cho các bạn nhỏ như: Giải đố giải ngố cùng truyện ngụ ngôn toán học, Đối lập ngộ nghĩnh, bộ sách Kết nối yêu thương, Mái ấm chốn rừng sâu, bộ sách tranh khoa học Quả trứng và hơn thế nữa, Trái tim và hơn thế nữa, Băng và hơn thế nữa, Từ điển hình ảnh trực quan, Truyện ngắn Lỗ Tấn...