Độc đáo bánh tình yêu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Không cần phải vào tận huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngay tại Thủ đô Hà Nội chúng ta cũng có thể thưởng thức món bánh a quát - bánh 'tình yêu', món bánh truyền thống được người dân Tà Ôi đang sinh sống và làm việc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chế biến.

Đối với người Tà Ôi, bao đời nay, bánh a quát là một loại đặc sản ẩm thực truyền thống được chế biến từ nếp, tương tự như loại bánh chưng, bánh tét ở miền xuôi. Bánh a quát được xem là món ăn mà đồng bào Tà Ôi dùng để thiết đãi khách quý và có mặt trong hầu hết các lễ, tết, hội, dịp trọng đại của dân tộc mình.

Bánh a quát có mặt trong hầu hết các lễ hội

Bánh a quát có mặt trong hầu hết các lễ hội

Bánh a quát không có nhân đậu xanh, thịt mỡ, chỉ hoàn toàn nguyên chất là nếp. Bánh thơm ngon là do sử dụng loại nếp đặc biệt nhất - nếp than. Với người Tà Ôi, nếp than là loại nếp quý nhất và cũng là nguyên liệu duy nhất làm nên món bánh đặc trưng này. Hạt nếp than bắt đầu ngậm sữa thì đen bóng. Hạt nếp khi giã ra cũng có màu đen, đun lên vẫn giữ được màu sắc và có độ dẻo dính, hương thơm đặc biệt. Đây là loại gạo mà người Tà Ôi gọi là hạt ngọc của trời, hạt ngọc của Giàng...

Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh

Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh

Trong quá trình giã nếp, người giã phải thật đều tay để hạt nếp không gãy vụn. Nếu có hạt gãy vụn thì họ sẽ sàng sảy để chọn lại. Đồng bào Tà Ôi giải thích, điều này thể hiện sự vẹn toàn trong tình yêu của đồng bào qua những tích truyện từ xưa.

Phụ nữ Tà Ôi đều thành thạo làm bánh a quát

Phụ nữ Tà Ôi đều thành thạo làm bánh a quát

Theo tập quán, đồng bào Tà Ôi thường làm bánh trong các dịp mừng lúa mới, cưới xin, lễ tổ tiên… Đặc biệt, trong lễ cưới, những cặp bánh a quát được người dân Tà Ôi chọn làm món quà hồi môn mà cô gái nào cũng phải làm để mang về nhà chồng. Người mẹ khi tới thăm gia đình con gái đã đi lấy chồng cũng không thể thiếu những tấm bánh thơm thảo này. Cũng bởi vậy mà ngay từ nhỏ, các bé gái người Tà Ôi đã được bà, được mẹ hướng dẫn làm bánh a quát.

Bánh a quát rất nhỏ, có hai đầu nhọn như cái sừng trâu. Bánh được chế biến tương tự như các loại bánh chưng, bánh tét. Khi làm bánh, bà con Tà Ôi không ngâm gạo nếp trước khi gói mà công đoạn này được thực hiện sau khi gói xong. Bánh không có nhân như bánh chưng, bánh tét mà hoàn toàn chỉ có nếp than. Sự thơm ngon của bánh được thể hiện qua nguyên liệu nếp, lá gói bánh và kỹ thuật ngâm nước, nấu bánh.

Để có nguyên liêu gói bánh a quát, ngay từ sáng tinh mơ những người phụ nữ Tà Ôi đã đi vào rừng hái lá. Lá đót làm bánh a quát được người dân lựa chọn rất kỹ, là những lá không được rách, có độ mềm dẻo, không quá già cũng không được quá non. Khi gói bánh a quát, người ta cầm ngửa lá đót, rồi quấn ngọn hoặc gốc lá đót vòng quanh ngón tay cái hai vòng để tạo hình chóp nón rồi lật ngược và bốc nếp bỏ vào cho đầy. Sau đó nghiêng hình chóp có nếp và dùng tay quấn phần gốc hoặc ngọn còn lại của lá đót thành một hình chóp thứ hai. Hai chiếc bánh a quát được buộc thành một cặp, chiếc lớn hơn tượng trưng cho người con trai và chiếc bánh nhỏ hơn là hiện thân của người con gái. Bánh a quát cũng là biểu trưng cho tình yêu chung thủy sắc son của người Tà Ôi.

Bánh a quát dẻo thơm, có vị thanh, thường được chọn làm món quà hồi môn để cô gái Tà Ôi mang về nhà chồng

Bánh a quát dẻo thơm, có vị thanh, thường được chọn làm món quà hồi môn để cô gái Tà Ôi mang về nhà chồng

Chị Hoàng Mai, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, tôi nghe về bánh a quát đã lâu nhưng chưa được đến huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế để thưởng thức món bánh này. Trong chuyến trải nghiệm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tôi đã có dịp thưởng thức loại bánh đặc biệt này. Bánh a quát dẻo thơm, có vị thanh, ngọt bùi, lại mang hương vị của tình yêu. Ngoài thưởng thức tôi còn được trải nghiệm làm bánh tình yêu do chính đồng bào Tà Ôi tận tình hướng dẫn. Những chiếc bánh a quát mang hương vị của núi rừng khiến chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự giản dị, mộc mạc, nồng hậu trong đời sống của người Tà Ôi.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doc-dao-banh-tinh-yeu-tai-lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-viet-nam-172719.html