Độc đáo Bảo tàng Gạch ngói đầu tiên

Nằm ẩn mình cách trung tâm TP Bắc Giang khoảng 6 km về phía Đông, Bảo tàng gạch ngói và sinh thái Thạch Môn Trang thu hút hàng nghìn du khách tham quan. Bảo tàng hấp dẫn không chỉ bởi sự độc đáo mà còn bởi sự mến khách và đam mê với vật liệu xây dựng của chủ trang trại, ông Nguyễn Thế Cường và bà Nguyễn Thị Hà Châu.

Ông Nguyễn Thế Cường (bìa ngoài bên phải) giới thiệu với các du khách về các cổ vật trong Bảo tàng.

Ông Nguyễn Thế Cường (bìa ngoài bên phải) giới thiệu với các du khách về các cổ vật trong Bảo tàng.

Bảo tàng gạch ngói và sinh thái Thạch Môn Trang nằm ở thôn Nam Lễ, xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Chủ nhân là ông Nguyễn Thế Cường và bà Nguyễn Thị Hà Châu. Ông Cường đã nhiều năm gắn bó và thành công với nghề sản xuất gạch ngói. Ông từng là lãnh đạo của Công ty CP Thạch Bàn, một đơn vị chuyên về vật liệu xây dựng, đặc biệt là gạch men, gạch ốp lát granite, gạch ceramice. Tình yêu với loại vật liệu xây dựng này đã khiến ông quyết định đầu tư xây dựng mô hình bảo tàng mang tên: Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang. Đây là Bảo tàng gạch ngói đầu tiên đã được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động trong cả nước.

Ông Nguyễn Thế Cường chia sẻ, mục đích khi xây dựng Bảo tàng gạch gói nhằm lưu giữ và giới thiệu sản phẩm gạch ngói cho các thế hệ mai sau hiểu biết và trân trọng truyền thống nghề; đồng thời để lưu giữ và quảng bá một phần lịch sử của nghề sản xuất gạch ngói ở Việt Nam. Nơi đây sẽ tổ chức sưu tầm và trưng bày các loại gạch ngói trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Với ý tưởng đó cùng sự chăm chỉ tìm tòi, gia đình ông Cường đã sưu tập được bộ hiện vật gồm 275 mẫu (467 hiện vật) gạch ngói các loại.

Hiện, khu trưng bày chính của Bảo tàng gạch ngói được sắp xếp trong ngôi nhà sàn truyền thống, có diện tích 300 m2. Trong đó, sàn tầng 1 trưng bày sưu tập hiện vật là gạch, ngói của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; gạch ngói của một số nước trên thế giới; sa bàn mô hình sản xuất gạch thủ công, gạch tuynel và một số dụng cụ sản xuất gạch thủ công xưa…Sàn tầng 2 trưng bày sưu tập gạch, ngói của Công ty Thạch Bàn; tư liệu, hình ảnh phản ánh sự hình thành và phát triển của Công ty Thạch Bàn từ năm 1959 đến nay… Bộ sưu tập gạch ngói này đa dạng về chủng loại, nguồn gốc và giai đoạn lịch sử, được sưu tầm tại nhiều địa điểm trên khắp các vùng miền của đất nước, từ đồng bằng, đến miền núi và hải đảo xa xôi. Cầm trên tay những mẫu vật, ông Cường lần lượt giới thiệu: “Đây là mẫu gạch đặc, sưu tầm tại Thành cổ Quảng trị, thời Nguyễn (thế kỷ XIX); đây là mẫu gạch sưu tầm tại Nhà tù Phú Hải - Côn Đảo, thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX); đây là mẫu gạch xây chữ nhật sưu tầm tại Biệt thự Công tử Bạc Liêu (khoảng năm 1919); đây là mẫu gạch Hán (thế kỷ I - III) do ông Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam tặng…”.

Nói về định hướng hoạt động và phát triển của bảo tàng trong thời gian tới, ông Cường khẳng định: Bảo tàng đi vào hoạt động, trước tiên là nơi tiếp đón các thế hệ cán bộ, công nhân đã và đang làm việc tại Công ty Thạch Bàn, gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về nghề và đặc biệt họ có thể nhìn thấy chính mình ở trong đó, thấy được cả một giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển, từ công trường gạch thủ công năm 1959 đến những nhà máy, xí nghiệp hiện đại ngày nay. Bảo tàng trưng bày các hiện vật vừa cổ, vừa kim; qua đó, kể về câu chuyện sản xuất gạch ngói của cả nước, cũng kể quá trình hình thành và phát triển của Công ty Thạch Bàn - một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam.

Mô hình ống khói lò gạch tuynel bên ngoài Bảo tàng gạch ngói.

Mô hình ống khói lò gạch tuynel bên ngoài Bảo tàng gạch ngói.

Dù không phải sinh ra trên mảnh đất này, nhưng gia đình ông Cường có đầy ắp kỷ niệm về những năm tháng sống và làm việc tại Nhà máy Gạch Tân Xuyên (xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Đó là lý do gia đình ông quyết định chọn 3 quả đồi cằn cỗi ở xã Xương Lâm để đầu tư xây dựng trang trại và Bảo tàng gạch ngói. Bằng tình yêu thiên nhiên và đam mê sáng tạo, trong suốt 25 năm qua, gia đình ông Cường đã đầu tư cải tạo khu đất đồi cằn cỗi đến mức cỏ không mọc được thành một trang trại với các loại cây xanh, cây ăn quả, cây cảnh nghệ thuật quý hiếm.

Ấn tượng đầu tiên khi tới thăm Thạch Môn Trang là cổng được xây dựng từ những khối đá lớn nặng từ 8 - 12 tấn, đó là lý do hình thành tên gọi Thạch Môn Trang, nghĩa là “Trang trại có cổng bằng đá”. Đi qua chiếc cổng đá, lại bắt gặp một biểu tượng bằng đá khác, có tên gọi “Sinh tồn” với bố cục sắp đặt gồm 2 khối đá: Khối đứng cao 8 m, nặng 19,6 tấn; khối nằm có lỗ lớn xuyên tâm, nặng 10 tấn. Theo giải thích của gia chủ: Các khối đá này đều là nguyên khối tự nhiên, tượng trưng cho Dương và Âm; khi Âm Dương hòa hợp bên nhau, vạn vật sẽ sinh sôi, tồn tại bền vững. Đi qua biểu tượng “Sinh tồn”, là khu vườn có diện tích khoảng 1.000 m2. Đây là khu vườn phía trước Bảo tàng Gạch ngói, được bố trí kết hợp hài hòa giữa những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật với những lối đi được lát bằng đủ các chủng loại gạch mang màu sắc khác nhau, đan xen là những trụ nghệ thuật được xếp hoàn toàn bằng gạch; đặc biệt ở chính giữa khu vườn, được dựng một mô hình cột ống khói lò tuynel - hạng mục nổi bật của các nhà máy sản xuất gạch, ngói hiện nay. Xung quanh khu vực trưng bày chính này, được bao bọc bởi bạt ngàn các loại cây quanh năm hoa trái; đây đó là những ao, hồ in bóng trên mặt nước trong xanh. Xa xa, nằm ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ là ngôi nhà 5 gian được xây dựng theo lối truyền thống của vùng quê Bắc Bộ, là nơi dừng chân, đàm đạo cho khách đến tham quan…

Với mô hình mới mẻ và độc đáo này, hy vọng thời gian tới, Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ trong giới nghiên cứu, sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng mà còn là điểm trải nghiệm thú vị của đông đảo du khách gần xa.

“Trong giai đoạn tiếp theo, gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục công trình từng bước mở rộng bảo tàng, tiến tới trở thành điểm đến nghiên cứu, trao đổi, trải nghiệm giữa đối tác sản xuất, tiêu thụ gạch ngói ở trong nước, quốc tế và đông đảo Nhân dân; đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương …” - ông Cường cho biết.

Song Trường Giang

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/doc-dao-bao-tang-gach-ngoi-dau-tien-382642.html