Độc đáo chợ cá truyền thống hơn 400 năm
Chợ Cồn Gò (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nằm sát bờ biển, nơi buôn bán hải sản của ngư dân khắp vùng Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh, Cẩm Hà (Cẩm Xuyên)…và là nơi trải nghiệm lý thú của khách du lịch thập phương.
Dù đã có truyền thống trên 400 năm nhưng đến nay chợ vẫn giữ được nét văn hóa nguyên sơ của cư dân làng chài ven biển. Chợ Cồn Gò nằm ở cuối bờ kè xã Cẩm Nhượng, ngay sát chân cầu Cửa Nhượng. Theo người dân địa phương, chợ cá này đã có truyền thống hơn 400 trăm năm. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, chợ Cồn Gò vẫn là nơi tiêu thụ hải sản sầm uất nhất vùng.
Hằng ngày, cứ 3h sáng, khi mặt trời chưa ló rạng, sương đêm còn dăng đầy lối, phụ nữ làng biển ở đây đã í ới gọi nhau đi chợ cá Cồn Gò. Là ngư dân 3 đời ở xã Cẩm Nhượng, trong ký ức của anh Nguyễn Văn Tuấn, chợ Cồn Gò là vẫn vẹn nguyên nét đẹp độc đáo từ xa xưa và theo anh lớn lên từng ngày.
Anh chia sẻ: Chợ Cồn Gò không chỉ là nơi đem lại thu nhập cho ngư dân làng biển chúng tôi mà ở đây còn chứa đựng văn hóa truyền thống của quê hương. “Ngày nào không đến chợ, trong lòng tôi như thiếu một điều gì đó rất quan trọng. Bởi vậy, không đi biển đánh cá để bán được, tôi cũng phải ra chợ từ sớm để ngắm cảnh, theo dõi giá cả, thưởng thức hải sản rồi mới về” – anh Tuấn nói.
Đối với dân chài lưới, từ 5h chiều hôm trước, thanh niên trai tráng trong làng mang theo ngư cụ, tập trung lên các tàu thuyền, nhổ neo ra khơi cách bờ từ 8 đến 10 hải lý để đánh bắt hải sản. Tàu thuyền cập bến lúc rạng sáng để cấp hải sản cho chợ Cồn Gò. Những năm gần đây, do bãi biển bị bồi đắp, tàu không thể đậu sát bờ, ngư dân phải dùng thuyền thúng để “tăng bo” hải sản đánh bắt được lên bờ.
Trên bờ, từng tốp phụ nữ đầu đội đèn pin chờ sẵn, những mớ hải sản được nhanh chóng chuyền tay nhau lên bờ. Chợ cá Cồn Gò có hơn 200 hộ tiểu thương thuộc các xã Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh, Cẩm Hà… tập trung buôn bán. Ngoài ra, chợ còn là điểm đến lý thú cho khách du lịch ở bãi biển Thiên Cầm.
Chợ Cồn Gò cách khu du lịch biển Thiền Cầm chừng hơn 2 km, từ nhiều năm nay, chợ cá này trở thành một địa điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Những du khách có nhu cầu đi chợ cá sáng sớm sẽ được các khách sạn bố trí xe điện đưa đón, mỗi tốp từ 5 đến 7 người.
Du khách đến chợ cá đều tỏ ra thích thú vì được tận mắt, tận tay lựa chọn những loại hải sản tươi ngon và không quên ghi lại hoạt động mua bán nhộn nhịp ở đây như là một trải nghiệm đẹp khi về với khu du lịch biển Thiên Cầm.
Hải sản ở chợ cá Cồn Gò đầy đủ các loại từ mực, các loại cá, tôm, ghẹ, tôm tít nhưng “đặc sản” nổi tiếng nhất ở đây vẫn là mực. Mực ở đây là mực câu nên đảm bảo về độ tươi ngon, nhiều mớ mực khi lên bờ còn nhảy tanh tách. Hải sản sau khi lên bờ được đựng trong các khay nhựa, hoặc bày bán ngay trên những tấm bạt để cho khách hàng lựa chọn.
Bà Nguyễn Thị Quảng (thôn Hải Bắc, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) làm nghề buôn bán ở chợ cá này từ hàng chục năm nay cho biết: Làm nghề buôn bán cá ở chợ này tuy vất vả về thời gian do phải dậy từ rất sớm nhưng cũng cho thu nhập khá. Hơn nữa, đây cũng là một cách để những người phụ nữ ở nhà hỗ trợ, giúp người đàn ông yên tâm ra khơi bám biển khi hải sản lên bờ được tiêu thụ ngay.
Là chợ hải sản đầu mối nên khi mặt trời nhô lên (khoảng 7h sáng) cũng là lúc phiên chợ này kết thúc, từng mớ hải sản tươi ngon theo chân thương lái tỏa đi khắp các chợ trên địa bàn và theo tay người mua đến bàn ăn.
Phiên chợ cá hoạt động nhộn nhịp cho đến khi mặt trời ló rạng, đến khoảng 7h sáng chợ sẽ kết thúc mọi hoạt động. Lúc này ngư dân giặt sạch ngư cụ, nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới vào buổi chiều. Các chuyến hàng hải sản theo chân tiểu thương tỏa ra các chợ trên khắp địa bàn.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Xã Cẩm Nhượng có hơn 300 tàu công suất từ 20 – 250CV vẫn luôn duy trì khai thác và vươn khơi bám biển. Mỗi ngày sản lượng hải sản mà ngư dân đánh bắt được khoảng hơn 3 tấn, bao gồm nhiều loại hải sản có giá trị như tôm, mực, cá...
Hải sản sau khi đánh bắt, một phần được tiểu thương mang đi các chợ tiêu thụ, phần còn lại sẽ được chế biến thành các sản phẩm truyền thống như: nước mắm, mực khô, tôm nõn… Thời gian tới, địa phương sẽ quy hoạch cụm làng nghề, các cơ sở chế biển hải sản tập trung để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doc-dao-cho-ca-truyen-thong-hon-400-nam-508573.html