Độc đáo chợ Chuộng

Đến hẹn lại lên, cứ vào mùng 6 Tết Nguyên đán, hàng nghìn người dân ở khắp nơi trong tỉnh lại đổ về xóm Giang, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn để tham gia phiên chợ Chuộng 'độc nhất vô nhị' được tổ chức duy nhất một lần trong năm.

Dân gian có câu: “Chết bỏ con bỏ cháu, sống không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng” để nói về tầm quan trọng của phiên chợ có một không hai này.

Chợ Chuộng được tổ chức trên dải đất rộng ven sông Hoàng, nơi giáp ranh giữa 3 huyện Đông Sơn,Thiệu Hóa và Triệu Sơn. Để người dân có thể dễ dàng đến tham dự, ngay trước hôm phiên chợ diễn ra, chính quyền địa phương đã cho dựng tạm một cây cầu tre, nối giữa huyện Đông Sơn và Triệu Sơn.

Năm nào cũng vậy, ngay từ sáng sớm, già trẻ, gái trai nối đuôi nhau về triền đê ven sông Hoàng để “mua may, bán rủi”. Dù mưa, hay nắng nhưng số lượng người đi chợ mỗi năm không có dấu hiệu giảm. Chợ họp từ rất sớm, có năm đến tối mịt chợ mới vãn.

Tại đây, nhiều mặt hàng được các tiểu thương mang đến bày bán như: rau xanh, hoa quả, những đồ ăn dân dã …

Tuy nhiên, được nhiều người ưa thích và chọn mua đó là bánh đa đỏ với ý nghĩa đầu năm mang về vận đỏ, có ý nghĩa biểu trưng hết sức quan trọng, là may mắn đầu xuân cả năm buôn bán thành công, con cháu phúc hòa”.

Với tâm niệm mong muốn may mắn, nền nhiều người cho rằng, phải đi chợ Chuộng mua muối thì mới mang lại may mắn thật sự cho gia đình.

Đặc biệt, cà chua là mặt hàng không thể thiếu được bày bán ở khắp mọi nơi trong chợ

Mặt hàng đồ chơi dường như cũng thu hút trẻ em

Trò chơi dân gian có phần đặc biệt hơn với bầu không khí sôi động, thu hút đông lượng khách khi đến với chợ Chuộng

Trò chơi bịt mắt bắt lợn đem lại những khoảnh khắc vui vẻ cho người chơi lẫn người xem

Đập niêu đất cũng là trò chơi dân gian thu hút được sự cổ vũ nhiệt tình của du khách

Được chờ đợi nhất tại phiên chợ “có một không hai” này là hoạt động ném cà chua của các bạn thanh niên. Với một một ý nghĩa dùng cà chua chín đỏ ném vào người nhau để lấy may.

Người dân đến chợ Chuộng dù không quen biết, nhưng hễ gặp nhau là họ ném nhau bằng cà chua, đặc biệt những thanh niên này thường chọn mục tiêu là những cô gái xinh đẹp.

Mặc dù bị ném cà chua vào người nhưng ai cũng cười tươi vì theo quan niệm của người dân nơi đây, càng bị ném nhiều, năm đó càng gặp may mắn.

Xuất phát từ những quan niệm trên, năm nào đến ngày mùng 6 Tết chợ cũng thu hút được đông đảo du khách tới dự. Người dân nơi đây cũng như du khách xa gần quan niệm, năm nào mà phiên chợ càng đông, thì năm đó mùa màng càng tươi tốt, người dân mạnh giàu, lộc phúc càng nhiều… Vì vậy, chợ Chuộng đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu dịp đầu năm của người dân Thanh Hóa.

Vân Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/doc-dao-cho-chuong/113654.htm