Độc đáo cổ vật Hà Nam
Trong năm 2021, 2022 Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học thành lập Đoàn khảo cổ tổ chức điều tra, điền dã, khảo sát, đánh giá toàn diện hệ thống các di tích trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã phát hiện và nhận diện được trên 20 di tích, dấu tích có tiềm năng nghiên cứu đưa vào diện tổ chức thám sát, khai quật khảo cổ học.
Trong năm 2021, 2022 Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học thành lập Đoàn khảo cổ tổ chức điều tra, điền dã, khảo sát, đánh giá toàn diện hệ thống các di tích trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã phát hiện và nhận diện được trên 20 di tích, dấu tích có tiềm năng nghiên cứu đưa vào diện tổ chức thám sát, khai quật khảo cổ học.
Với mong muốn để nhân dân và du khách thập phương hiểu rõ hơn về giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh, tiếp nối thành công của các cuộc trưng bày triển lãm trước, nhân sự kiện khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2023 và Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ban vận động thành lập Hội Di sản văn hóa Hà Nam và các nhà sưu tầm tư nhân trong tỉnh tổ chức trưng bày “Bảo vật Quốc gia và cổ vật tiêu biểu tỉnh Hà Nam” lần thứ 2 năm 2023. Qua đó góp phần tuyên truyền, giới thiệu về giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa. Đồng thời, tạo sân chơi bổ ích để các nhà sưu tầm tư nhân, những người yêu mến cổ vật có dịp giao lưu, học hỏi, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.
Điểm nhấn quan trọng của không gian trưng bày lần này là giới thiệu tới công chúng về các bảo vật quốc gia của Hà Nam, trong đó có 2 bảo vật vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận, các bộ sưu tập hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng tỉnh Hà Nam, các hình ảnh, hiện vật về quá trình điều tra, điền dã, thám sát, khai quật khảo cổ học tại các điểm di tích, dấu tích thuộc các công trình tín ngưỡng, tôn giáo cổ của Hà Nam vừa được phát hiện và gần 500 hiện vật, hình ảnh được chọn từ các nhà sưu tầm tư nhân.
Nhiều cổ vật của các nhà sưu tầm tư nhân được trưng bày. Ảnh: Bình Nguyên
Phần trưng bày được nhiều người quan tâm nhất là phần trưng bày các bảo vật quốc gia của Hà Nam. Hiện Hà Nam có 4 bảo vật quốc gia, đó là Trống đồng Ngọc Lũ (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), Trống đồng Tiên Nội 1, Bia sùng Thiện Diên Linh và Bia đá chùa Giàu. Bia Sùng Thiện Diên Linh đã được Bảo tàng tỉnh dựng phiên bản 1/1 để trưng bày. Nội dung chữ viết trên bia cung cấp nhiều thông tin quý hiếm, như bổ sung những tư liệu lịch sử quý về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt; phản ánh các sinh hoạt văn hóa cung đình và dân gian thời Lý; kỹ thuật điêu khắc đá thời Lý. Trống đồng Tiên Nội I là chiếc trống đồng quý hiếm với hình tượng “băng hoa văn chim Lạc – Cá”, có thể nói là duy nhất trong số những trống đồng Đông Sơn được phát hiện cho đến nay. Còn Bia đá chùa Giàu là phiên bản gốc, độc bản, quý hiếm, duy nhất, có niên đại thời Trần trên đất Hà Nam.
Trong năm 2021, 2022 Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học thành lập Đoàn khảo cổ tổ chức điều tra, điền dã, khảo sát, đánh giá toàn diện hệ thống các di tích trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã phát hiện và nhận diện được trên 20 di tích, dấu tích có tiềm năng nghiên cứu đưa vào diện tổ chức thám sát, khai quật khảo cổ học.
Tại hang Chuông, xã Thanh Nghị (Thanh Liêm), qua tiến hành đào thám sát, Đoàn khảo cổ đã phát hiện được khoảng trên 1.000 di vật nhuyễn thể tiền sử hóa thạch (bao gồm cả nước ngọt và nước mặn), hơn 100 mảnh gốm thời kỳ tiền sử và lịch sử; khoảng 350 công cụ đá có niên đại cách ngày nay trên dưới một vạn năm thuộc thời kỳ văn hóa Hòa Bình. Đặc biệt, tại vùng lõi Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc đã phát hiện hàng chục hang động, mái đá rất có giá trị về khảo cổ học thuộc nền văn hóa Hòa Bình. Cồn Hến 1, Cồn Hến 2 thuộc văn hóa Đông Sơn và các hang động, mái đá, giếng Các-xtơ rất có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, liên quan sự hình thành kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm. Những phát hiện trên vô cùng quan trọng được xem là chìa khóa cho công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, từng bước giải mã những bí ẩn về lịch sử, văn hóa vùng đất Tam Chúc.
Trên cơ sở khảo sát, nhận diện, Đoàn khảo cổ còn tổ chức khai quật khảo cổ học tại một số phế tích, như dấu tích ngôi tháp mộ nằm trong khuôn viên đền Lảnh Giang (xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên), phế tích kiến trúc tại chùa Vân Mộng (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng), khai quật Hang Đội 4 thuộc Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng); Động Tiên Thánh Công chúa (thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm), khai quật dấu tích đền Thượng thuộc quần thể di tích đền Lăng (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm). Qua kết quả thăm dò, khai quật đã cho thấy tiềm năng nghiên cứu khảo cổ học ở tỉnh Hà Nam rất lớn, có thể bổ sung những nhận thức hoàn toàn mới về khảo cổ học tiền sử mà trước đây khảo cổ học Việt Nam chưa bao giờ biết tới trên mảnh đất này.
Bên cạnh không gian trưng bày, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam còn phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề: “Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo qua bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”. Triển lãm giới thiệu 21 hiện vật là phiên bản của những tác phẩm điêu khắc tiêu biểu, hình thức độc đáo có giá trị nghệ thuật, phản ánh lịch sử, tư tưởng Phật giáo của dân tộc qua nhiều thời kỳ. Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) là pho tượng Phật bằng đá thời Lý lớn nhất tồn tại đến ngày nay, pho tượng thể hiện tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc đá. Bệ tượng sư tử đá chùa Bà Tấm (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) là hiện thân của sức mạnh trí tuệ trong Phật giáo, điển hình cho nghệ thuật tạo bệ tượng thời Lý. Tượng Kim Cương chùa Long Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam) cho thấy sự phát triển của hình thức chùa tháp thời Lý. Tượng Quan âm nghìn mắt nhìn tay chùa Bút Tháp (thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) là tác phẩm độc nhất vô nhị của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam thế kỷ 17. Nghệ thuật tạo tác tượng Quan âm chùa Bút Tháp có thể xem là mẫu mực, cổ điển của loại hình tượng Quan âm Thiên thủ thiên nhãn ở Việt Nam. Pho tượng Tuyết Sơn và 16 vị Tổ Kế Đăng chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) là đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Phật giáo thế kỷ 18. Đây là những pho tượng nằm trong hệ thống tượng Phật được đánh giá là đẹp nhất trong nghệ thuật tạo hình tượng gỗ Việt Nam. Thông qua triển lãm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhằm mở rộng hợp tác, giới thiệu quảng bá sưu tập tượng Phật giáo và Bảo vật quốc gia đến với đông đảo công chúng Hà Nam.
Với không gian trưng bày hợp lý, các lớp cổ vật được trưng bày khoa học, người xem dễ hình dung được lịch sử, niên đại của các cổ vật và đặc biệt là có thể hình dung được những thời kỳ lịch sử đã qua và những nét văn hóa truyền thống trên đất Hà Nam. Nhìn sâu vào các lớp cổ vật được trưng bày ta có thể thấy được hồn cốt của một thời kỳ đã lùi sâu vào lịch sử, nhưng chính hồn cốt ấy đã khiến người dân Hà Nam tự hào, tình yêu quê hương dâng trào và là động lực để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/doc-dao-co-vat-ha-nam-98753.html