Cụm di tích nghè Diêm Phố thuộc xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc) bao gồm kiến trúc của nghè - chùa - phủ - miếu với diện tích rộng hơn 1.000m2. Ở lối vào di tích, cổng tam quan đồ sộ với 3 tầng gác, ở gác thứ 2 treo một chiếc chuông đồng to đúc năm 1938. Ảnh: Đình Minh
Tổng quan khu di tích hài hòa về mặt không gian, cây cối, cảnh vật, có tầm nhìn hướng ra biển. Ảnh: Đình Minh
Từ cổng tam quan trở vào có con đường lớn chạy đến cửa đền, chia đôi khu di tích này thành hai phần gồm: Nghè Thánh Cả (đền Cả thờ tứ vị thánh Nương); chùa Liên Hoa; đền thờ thần Cá Ông (Ngọc Lân thần); miếu thờ 344 ngư dân của làng tử nạn trên biển năm 1931; đền thờ Nẹ Sơn (thờ đức vua Thông Thủy Nẹ Sơn)...
Trong hình là miếu kỷ niệm năm bão gõ (thờ 344 ngư dân tử nạn trên biển năm 1931). Ông Phạm Văn Lắm (72 tuổi, trú thôn Linh Phú, xã Đa Lộc), là người trông coi khu di tích cho biết: Năm 1931, một trận bão kinh hoàng bất ngờ ập vào vùng biển Diêm Phố, phá hủy và nhấn chìm hầu như toàn bộ thuyền bè đánh bắt ngoài khơi của ngư dân. Trận bão năm ấy khiến hàng trăm ngư dân vĩnh viễn không trở về. Để tưởng nhớ những người không may bỏ mạng, người Diêm Phố lập một miếu thờ 344 người tử nạn. Ảnh: Đình Minh
Bên trong miếu gõ có bệ thờ để bát hương, bài vị thờ, bên phải có mô hình bè mảng, bên trên đặt một số ngư cụ dùng trong nghề đi biển. Hằng năm, vào ngày 18/8 âm lịch, toàn bộ ngư dân trong xã tổ chức ngày giỗ chung cho 344 ngư dân lâm nạn. Ảnh: Đình Minh
Nằm cạnh miếu gõ là đền Ngư Ông. Ngôi đền này có ba gian, phía trong cùng là chính tẩm, có bệ thờ đặt ở giữa, trên bệ thờ đặt ngai, trong ngai có bài vị đều sơn son thiếp vàng. Tại đây còn lưu giữ hai sắc phong của triều đình nhà Nguyễn vào năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) và năm Khải Định thứ 9 (1924). Ảnh: Đình Minh
Nghi môn nằm ở trung tâm của cụm di tích nghè Diêm Phố. Ảnh: Đình Minh
Trong hình là cổng vào đền thờ Nẹ Sơn (thờ đức vua Thông Thủy Nẹ Sơn). Theo ông Lắm, vào thời xa xưa, ngoài cửa biển Y Bích thuộc huyện Hậu Lộc nổi lên một hòn đảo, có một ngọn cao vút, thuyền bè qua lại hay đi đánh bắt trông vào đấy mà biết được cửa biển Y Bích và bến đỗ của thuyền. Vào năm 1445 các chức sắc trong làng đã cho xây dựng đền thờ đức vua Thông Thủy đảo Nẹ Sơn. Ảnh: Đình Minh
Sau thời gian dãi nắng dầm mưa, nhiều hạng mục trong cụm di tích nghè Diêm Phố đã xuống cấp. Ảnh: Đình Minh
Một góc kiến trúc xưa cũ còn sót lại tại cụm Di tích Nghè Diêm Phố. Ảnh: Đình Minh
Đúng 5h chiều mỗi ngày, sẽ có người trông coi của cụm di tích đánh chuông. Mặc dù xây dựng chung trên một khu đất, nhưng nghè - đền - chùa - miếu - phủ tại cụm di tích Diêm Phố được cấu trúc theo đặc điểm riêng của từng loại tính ngưỡng, tôn giáo, độc lập hoàn toàn cả về nội dung và hình thức. Ảnh: Đình Minh
Năm 1991, cụm Di tích nghè Diêm Phố đã được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh: Đình Minh
Đình Minh