Độc đáo đàn đá Khánh Sơn

'Hồn thiêng' của người Raglai

Vượt qua dãy Ba Cụm hùng vĩ, chúng tôi ngược ngàn lên Khánh Sơn một ngày chớm xuân. Ở đó, những chồi non đã vươn mình dưới ánh xuân nồng. Nơi ấy, ông Bo Bo Hùng - một trong số ít người biết chơi đàn đá ở thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) đang say sưa biểu diễn. Chúng tôi chăm chú lắng nghe trong điệu đàn đá Khánh Sơn lúc âm vang như tiếng đại ngàn, lúc thánh thót, reo ca làm mê đắm lòng người.

 Ông Bo Bo Hùng biểu diễn độc tấu đàn đá Khánh Sơn.

Ông Bo Bo Hùng biểu diễn độc tấu đàn đá Khánh Sơn.

Lâng lâng trong men Tabai - loại rượu truyền thống của người Raglai, ông Mấu Quốc Tiến - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Raglai ở thị trấn Tô Hạp quả quyết với chúng tôi rằng: “Không phải bất cứ loại nhạc cụ nào khác, đàn đá chính là “hồn thiêng” của người Raglai. Tiếng đàn đá là phương tiện kết nối cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất, thần linh, giữa hiện tại với quá khứ. Vậy nên, trong các lễ, hội của người Raglai như: Lễ bỏ mả, lễ ăn mừng lúa mới hay những dịp hội vui của buôn làng, bao giờ đàn đá cũng được đưa ra diễn tấu đầu tiên. Tùy theo sự việc mà biểu diễn những làn điệu chính như: Làn Tu mô da, làn Sa pa tơ lơu hay làn Da sa… Đàn đá không chỉ theo người Raglai trong mùa lễ hội mà còn đi khắp nương rẫy…”.

Nói rồi, ông Mấu Quốc Tiến kể cho chúng tôi nghe chuyện gia đình ông Bo Bo Ren (đã mất) phát hiện, cất giữ 12 thanh đá với kích thước, hình dáng khác nhau tại vùng rừng Dốc Gạo có dấu vết bàn tay con người ghè đẽo; gõ vào thanh đá thì âm vang lên, trong và đanh như tiếng sắt, tiếng đồng. Rồi chuyện các nhà khảo cổ học đã khai quật, phát hiện thêm các công cụ chế tác đàn đá, rìu đá, búa đá… tại vùng núi Tô Hạp. Căn cứ vào những hiện vật tìm thấy, các nhà khảo cổ học đã kết luận bộ đàn đá này có niên đại từ 2.000 đến 5.000 năm. Đến năm 1979, những thông tin về đàn đá Khánh Sơn chính thức được công bố rộng rãi ở trong và ngoài nước. Đến nay, đàn đá Khánh Sơn đã trở thành niềm tự hào, nét đẹp văn hóa, tâm hồn của người Raglai. Ngoài bộ đàn đá 12 thanh này, gia đình ông Bo Bo Ren còn có 1 bộ đàn đá nước 9 thanh, nhưng rất tiếc bộ đàn đá này đã bị bom Mỹ tàn phá, không còn.

Ông Bo Bo Hùng cho hay: “Đàn đá Khánh Sơn có thể biểu diễn độc tấu hoặc hòa tấu cùng các loại nhạc cụ khác như: Mã la, đàn Chapi, sáo Tale piloi, kèn bầu… Loại nhạc cụ cổ xưa này có nguồn gốc từ đàn đá nước của người Raglai cổ. Đàn đá nước 9 - 15 thanh, dùng sức nước để điều khiển những viên đá nhỏ gõ vào những thanh đá lớn, từ đó tạo nên bản hòa tấu với âm thanh độc đáo vang vọng núi rừng. Lạ là khi tiếng đá kêu vang lên, thú dữ bỏ chạy hết nhưng chim chóc lại kéo về cùng hòa ca rộn ràng”.

Cho tiếng đàn đá vọng khắp núi rừng

Hỏi chuyện những già làng người Raglai ở Khánh Sơn về việc còn ai nhớ những điệu đàn đá truyền thống, còn mấy ai có thể chơi thạo đàn đá, các già đều lắc đầu bảo: Số người biết và chơi được đàn đá cả huyện đếm chưa hết các đầu ngón tay. May thay, trong số ấy vẫn còn những người như ông Bo Bo Hùng, hàng ngày, ông vẫn sống trong âm vang của tiếng đàn đá, trong mạch ngầm cổ xưa của người Raglai. Bây giờ, tuy đã sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ như: Đàn đá, mã la, đàn Chapi, kèn bầu… và nằm lòng nhiều làn điệu, nhưng mỗi khi rảnh rỗi, ông lại tìm đến các già làng để học thêm các làn điệu đàn đá cổ xưa, cách hát sử thi Raglai… Vì thế, kiến thức âm nhạc truyền thống của người Raglai trong ông ngày càng đầy thêm. Ông mong mỏi và sẵn sàng truyền lại cho những chàng trai, cô gái Raglai đam mê âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. “Nếu không gìn giữ, không có lớp trẻ kế tục, văn hóa truyền thống của người Raglai rất dễ bị mai một giữa cuộc sống đô hội, giữa tiếng chuông smartphone, giữa tiếng còi xe”, ông Hùng đau đáu nỗi lo.

 Đàn đá làm trung tâm trong các sinh hoạt văn hóa của người Raglai ở Khánh Sơn. Ảnh: Hải Bình

Đàn đá làm trung tâm trong các sinh hoạt văn hóa của người Raglai ở Khánh Sơn. Ảnh: Hải Bình

Trước nguy cơ mai một tiếng đàn đá, từ năm 2020, UBND huyện Khánh Sơn đã tiến hành khảo sát, phục dựng 3 hệ thống đàn đá nước giữ nương rẫy nguyên bản của người Raglai để bố trí tại các dòng chảy tự nhiên ở thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp), xã Ba Cụm Nam và xã Thành Sơn. Đối với đàn đá dùng biểu diễn, huyện tiến hành chế tác 10 bộ để bổ sung cho Phòng Truyền thống huyện và 8 xã, thị trấn, mỗi địa phương 1 bộ. Trong năm nay, các bộ đàn đá này sẽ được phục dựng xong. Cùng với đó, địa phương còn tổ chức truyền dạy kỹ năng biểu diễn đàn đá cho các nhạc công người Raglai tại địa phương. “Việc khôi phục đàn đá nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Chúng tôi quyết tâm đưa đàn đá phổ biến trở lại trong cuộc sống của đồng bào; gìn giữ và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc Raglai. Trên cơ sở bảo tồn, địa phương sẽ kế thừa, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa đàn đá Khánh Sơn nói riêng và văn hóa của người Raglai nói chung trong phát triển du lịch thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ.

Một mùa xuân nữa lại đến, khắp các buôn làng Raglai, tiếng đàn đá lại hòa cùng tiếng mã la, tiếng sáo… bay bổng, chất chứa hồn cốt, niềm tự hào của người Raglai. Khi chia tay, những câu hát của ông Bo Bo Hùng: “… Ơi đàn đá Khánh Sơn/Ơi đàn đá Việt Nam/Tiếng nghìn xưa vang vọng/Đến hôm nay lên tiếng/Gọi buôn làng nương rẫy/Mừng ngày mới bừng lên…”, trong bài hát “Đàn ơi hát cùng ta” quyện vào tiếng đàn đá ông biểu diễn vang vọng khắp núi rừng Khánh Sơn, theo chúng tôi về phố phường.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202101/doc-dao-dan-da-khanh-son-8205805/