Hiện diện tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa với chủ đề “Không chỉ là ký ức”, hơn 20 chiếc xe đạp cổ thuộc nhiều chủng loại của ông Nguyễn Hữu Ngôn (62 tuổi, trú tại thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) khiến du khách, người xem không khỏi thích thú khi lần đầu được biết đến những dòng xe đạp này.
“Không chỉ là ký ức” diễn ra từ 18/1 đến 5/2, ngoài tái hiện lại không gian xe đạp cổ độc đáo, chủ đề cũng giúp du khách cảm cảm thấy được sống lại ký ức thời chiến, bao cấp.
“Trưng bày một phương tiện giao thông phổ biến, thiết yếu của người Việt Nam từ những năm chiến tranh thể hiện tình yêu, sự trân trọng quá khứ, giữ gìn, bảo lưu, phát huy di sản của dân tộc, từ đó cổ vũ mọi người thêm yêu xe đạp, thích đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường”, ông Ngôn (phải) mong muốn.
Ngoài sưu tập xe đạp cổ, ông Ngôn còn có các bộ phận của xe đạp như 15 chiếc khung xe, 25 bộ đèn xe, 7 bộ giấy đăng ký xe đạp. Mới đây, người đàn ông này còn sưu tập được 3 chiếc xe đạp Sông Mã và nhiều chủng loại xe đạp cũ sản xuất tại các địa phương khác như: Hà Nội, Phú Thọ,…
Gần như những hãng xe đạp phổ biến từng được sử dụng ở Việt Nam đều được ông Ngôn đem đến không gian trưng bày.
Cổ nhất là chiếc xe đạp hiệu Motobicans sản xuất tại Pháp năm 1930, “mới” nhất là chiếc xe đạp nữ Thống Nhất sản xuất năm 1972. Cùng với đó là xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc, xe fa-vo-rit của Tiệp Khắc (cũ), xe méc – xê, xe stecling của Pháp, xe mi-fa của Đức, xe Hữu Nghị, Thống Nhất của Việt Nam.
Chiếc xe đạp vẫn còn giữ được biển đăng ký theo xe. Theo lời ông Ngôn, ngày xưa, một chiếc xe đạp là cả một gia tài. Nếu xe đi ra đường mà không có biển số có thể bị cảnh sát bắt, phạt tù như chơi.
Những nét đặc trưng từ phần khung, may-ơ, yên, thủ, phanh, đèn… của các dòng xe vẫn còn nguyên bản theo nhà sản xuất.
Lê Mạnh