Độc đáo Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của đồng bào Quảng Nam

Miền núi Quảng Nam là nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc anh em như Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Cor... Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, các tộc người nơi đây đã sáng tạo và bảo lưu những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú và độc đáo.

Nam nữ thanh niên Cơ Tu hòa điệu Tung tung-Ya yá trong ngày lễ hội. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Nam nữ thanh niên Cơ Tu hòa điệu Tung tung-Ya yá trong ngày lễ hội. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Những giá trị đó được thể hiện sinh động trong văn hóa mưu sinh, săn bắn, hái lượm, lao động sản xuất, nghề thủ công, trang phục, lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, cư trú, nghệ thuật trang trí... Chính vì thế, đã có 4 di sản được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có 3 di sản của đồng bào dân tộc Cơ Tu và 1 di sản của đồng bào dân tộc Cor, bao gồm: Nói lý - hát lý; Vũ điệu Tung tung - Ya yá; nghề dệt cổ truyền của người Cơ Tu; nghệ thuật trang trí trên cây nêu và bộ Gu trong lễ ăn trâu của người Cor...

Nghệ thuật nói lý - hát lý Cơ Tu

Trong đời sống của người Cơ Tu, nói lý- hát lý là một trong những hình thức tự sự dân gian đặc sắc và độc đáo. Nó gắn liền với lời ăn tiếng nói của đồng bào, thể hiện lối giao tiếp, ứng xử, biểu lộ tâm tư, tình cảm của mỗi người, của cộng đồng.

Nói lý - hát lý có những cách thể hiện khác nhau và ý tứ riêng của nó. Để có thể hát lý được và hay, có tính thuyết phục cao thì chỉ có người từ 40-50 tuổi trở lên và đặc biệt là già làng. Đây là những người đã được dân làng lựa chọn, ở họ hội tụ đủ những yêu cầu cho một người hát lý: Tư duy cao, am hiểu phong tục tập quán, ứng khẩu nhanh, đồng thời phải có chất giọng truyền cảm. Khi hát lý, người hát phải biết lắng nghe đối tác của mình muốn nói điều gì thông qua những câu hát, đồng thời phải nhanh nhạy dùng những hình ảnh hát đối lại sao cho người nghe hiểu được ý mình muốn nói trong đó.

Nói lý - hát lý thường được thể hiện qua các lần tổ chức đám cưới, ăn mừng lúa mới hay lễ ăn thề kết nghĩa anh em... Ngoài ra, nói lý - hát lý còn được dùng để giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong các mối quan hệ giữa gia đình, bạn bè, xã hội, công việc... Khi có khách quý đến thăm hay chào mừng cán bộ cấp trên, đồng bào cũng thường hay hát lý để chúc mừng. Ở đây, câu chữ mang từ ngữ ẩn ý nhằm thể hiện trong ứng xử, lời ăn tiếng nói, biểu hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu.

Vũ điệu Tung tung - Ya yá

Điệu múa Ya yá của người Cơ Tu là điệu múa rất lâu đời. Người Cơ Tu chỉ có một số điệu múa cơ bản như tung tung, ya yá, trơ lếch, ya yơn, raron..., trong đó, Tung tung và Ya yá là điệu múa khá phổ biến, kết hợp cả nam lẫn nữ, được biểu diễn trong các lễ hội truyền thống. Tung tung là vũ điệu của những người đàn ông còn Ya yá là vũ điệu dành riêng cho người phụ nữ. Do lối múa tập thể cả nam lẫn nữ nên đồng bào thường gọi là múa Tung tung-Ya yá.

Điệu múa Tung tung - Ya yá vẫn còn khá phổ biến ở nhiều lễ hội của người Cơ Tu như lễ cơm mới, lễ mừng vụ mùa bội thu, lễ trỉa lúa, lễ kết nghĩa giữa hai làng, mừng thú săn, lễ khánh thành nhà gươl hay làm nhà mồ cho tổ tiên... Điệu múa này có liên quan đặc biệt tới một số nghi lễ nông nghiệp, là điệu múa thiêng, điệu múa cầu mùa với động tác cơ bản là đôi tay của người phụ nữ xòe lên trời cầu xin và đón nhận sinh khí và hạt lúa của thần linh. Ya yá là điệu múa nhằm thực hành nghi lễ hiến sinh của người Cơ Tu, thể hiện vui mừng, biểu lộ sự biết ơn của dân làng đối với sự giúp đỡ của các thần linh.

Nghề dệt cổ truyền

Nghề dệt của người Cơ Tu được hình thành khá lâu đời. Cây bông vải nguyên thủy mọc ở trong rừng, được đồng bào mang về trồng trên rẫy và nhân giống, thuần hóa thành cây bông bản địa hiện nay. Đồng bào Cơ Tu có nhiều giống bông bản địa, đó là kpay plâng, kpay lao, kpay plưng, các nhà khoa học gọi là giống “bông thượng” hay “bông cỏ”. Sau khi thu hoạch bông, đồng bào chế biến, nhuộm màu để làm nguyên liệu và đưa vào khung dệt tạo ra các sản phẩm. Khung dệt thủ công là loại khung giữ bằng chân, dệt bằng tay, các bộ phận tách rời nhau, chỉ khi dệt, giăng sợi vào thì mới trở thành khung dệt.

Nghề trồng bông dệt vải của dân tộc Cơ Tu đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm, chủng loại khác nhau. Mỗi sản phẩm đều có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ nhất định. Những tấm vải thổ cẩm dù lớn hay nhỏ đều in đậm dấu ấn sáng tạo của người thợ dệt. Ta có thể phân biệt các sản phẩm thổ cẩm Cơ Tu qua những loại hình cụ thể như sau: Tấm aduông (tấm dồ); áo (adooh); áo choàng (adây); áo chữ X (chrơ gul, chrơ peng); khố (h’giăl hay g’hul); váy (hđooh); khăn trùm đầu; tấm địu con (aduông kon); túi thổ cẩm (chơ dhung); yếm (xờ nát); túp lều bằng tấm htút (g’nâu bh’muối)...

Cây nêu trong lễ ăn trâu của đồng bào Cor. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Cây nêu trong lễ ăn trâu của đồng bào Cor. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Nghệ thuật trang trí trên cây nêu và bộ Gu trong lễ ăn trâu

Nghệ thuật điêu khắc, trang trí, tạo hình trên cây nêu có từ lâu đời. Nó gắn liền với đời sống tinh thần của tộc người. Lễ hội ăn trâu tiếng Cor gọi là xa ố kpiêu, dịch ra tiếng Việt là ăn con trâu. Lễ hội ăn trâu của dân tộc Cor là một lễ hội kéo dài trong nhiều ngày với nhiều giai đoạn khác nhau: Giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn tổ chức, giai đoạn lết thúc. Trong lễ hội ăn trâu không thể thiếu cây nêu (tiếng Cor gọi là gấk). Việc chuẩn bị làm cây nêu là một nghi lễ quan trọng trong lễ hội ăn trâu, là hình thức cho thấy lễ hội to hay nhỏ, nội dung lễ ăn trâu sẽ như thế nào. Cây nêu trong lễ hội ăn trâu của người Cor không phải một loại mà khá nhiều loại.

Cây nêu và bộ Gu của người Cor có giá trị thẩm mỹ cao, là tác phẩm trang trí sáng giá miêu tả sinh động thiên nhiên, đời sống cộng đồng. Nó là tác phẩm trang trí làm đẹp cho sân nhà và trong ngôi nhà dài, là trung tâm, “lễ đài” của lễ hội ăn trâu, quy tụ thần linh, gặp gỡ giữa từng cá nhân con người với cộng đồng. Hiện nay, nghệ thuật trang trí cây nêu và bộ Gu dùng trong lễ đâm trâu của người Cor được ứng dụng trong nghệ thuật trang trí hiện đại như cổng chào, nhà văn hóa thôn, bản, nhà văn hóa huyện, được thể hiện trong tranh cổ động...

Đây là 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia có lịch sử lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa bản địa của đồng bào Cơ Tu và Cor ở Quảng Nam, hiện vẫn được gìn giữ và phát triển cho đến hôm nay.

Lâm Đăng Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doc-dao-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cap-quoc-gia-cua-dong-bao-quang-nam-post434726.html