Độc đáo di tích khảo cổ gò tháp An Lợi

Di tích khảo cổ cấp quốc gia gò tháp An Lợi (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thuộc thời kỳ hậu văn hóa Óc Eo, niên đại từ thế kỷ VIII - IX với quy mô lớn và còn khá nguyên vẹn. Di tích góp phần hé mở nhiều cứ liệu khoa học về nguồn gốc, nội dung, tính chất của nền văn hóa cổ Óc Eo.

Văn hóa Óc Eo là một trong 3 nền văn hóa cổ ở Việt Nam, gồm: Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo. Theo các chuyên gia, những di vật, phế tích và các giá trị của văn hóa Óc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam cổ. Năm 1944, cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên của nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret được tổ chức ở phía Đông núi Ba Thê (huyện Thoại Sơn). Địa điểm khai quật đầu tiên là ở gò Óc Eo, sau này được ông lấy tên đề nghị đặt danh xưng cho một nền văn hóa cổ đại phân bố rộng khắp, đó là “Văn hóa Óc Eo”.

Tiêu biểu, có di tích kiến trúc gò tháp An Lợi (di tích nằm trên nền gò cao nên người dân nơi đây quen gọi là “gò tháp”). Năm 1999, di tích gò tháp An Lợi được Bảo tàng tỉnh phát hiện trong 1 lần khảo sát tại vùng núi ở huyện Tri Tôn. Đến năm 2002, Bảo tàng tỉnh phối hợp Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiến hành khảo sát lại di tích khảo cổ gò tháp An Lợi.

Di tích khảo cổ gò tháp An Lợi có dạng hình chữ nhật, diện tích rộng trên 300m2. Đỉnh gò bằng phẳng, có độ cao 2,5m so bề mặt chung quanh. Mặt gò xuất lộ nhiều viên gạch, nhiều vỉa gạch chạy thẳng hàng theo hướng đông tây cùng vài khối đá, tấm đá kiến trúc nằm lộ thiên giữa gò hoặc cạnh các gốc cây.

Trong đó có 1 “bàn đá” hình tròn đặt kê trên những viên gạch nguyên và vỡ ở giữa gò. Sườn gò ở phía nam và bắc là các vách tường gạch xây vẫn còn thẳng đứng, ở phía đông và tây do bị đào phá để lấy gạch nên để lại trên sườn gò chỗ gạch, chỗ đá lởm chởm…

Đó là dấu hiệu cho thấy kiến trúc này được xây bằng gạch và đá hỗn hợp thuộc phong cách truyền thống của cư dân văn hóa Óc Eo - Phù Nam xưa. Kết quả cho thấy, mặc dù có bị đào bới nhưng nền kiến trúc vẫn còn khá nguyên vẹn với độ cao của vách tường tháp từ 1,5 - 2,5m.

Năm 2004, Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ chủ trì, phối hợp Bảo tàng tỉnh tiến hành khai quật di tích gò tháp An Lợi từ ngày 2 đến 29/10 với diện tích 1.000m2. Kết quả khai quật cho thấy, di tích gò tháp An Lợi có bình đồ kiến trúc hình chữ nhật xây bằng gạch - đá khá lớn được bẻ góc nhiều lần với chiều dài 19,2m theo hướng đông tây, rộng 11,6m theo hướng bắc nam, cao 2,5m tính từ chân gờ cột giả hoặc 3,6m tính từ chân móng gạch cuối cùng - sát lớp đá móng lên đến đỉnh.

Di tích khảo cổ cấp quốc gia gò tháp An Lợi

Bố cục kiến trúc gồm 2 phần: Phần tiền sảnh ở phía đông nối liền với bậc lên xuống, phần hậu sảnh ở phía tây. Bên trong kiến trúc phần hậu sảnh có một hố thờ dạng hình giếng vuông, các cạnh rộng 1,2m theo hướng đông tây và 1,1m theo hướng bắc nam. Hố đã bị đào khá sâu, trong hố có chứa nhiều gạch nguyên, đá và cát màu xám.

Ngoài ra, trong hố còn phát hiện 1 hũ sành lớn bị vỡ nhiều mảnh, hũ có miệng không cao, thân phình rộng, đáy bằng, bên ngoài có lớp men màu nâu đen rất bóng. Các di vật thu được chất liệu chủ yếu là đồ đá với loại hình, như: Mảnh vỡ Linga đá, máng nước thiêng Somasutra, bàn đá; những tấm đá nhiều hình dáng, như: Đá hình bán nguyệt, đá hình cánh quạt, đá hình khối chữ nhật và một vài mảnh gốm cổ và vòi bình số lượng không đáng kể.

Qua nghiên cứu, gò tháp An Lợi thuộc loại kiến trúc nặng xây bằng gạch và đá hỗn hợp thuộc thời kỳ hậu Óc Eo. Việc tìm thấy nhiều Linga và Somasutra cho rằng, kiến trúc gò tháp An Lợi là một đền thờ thuộc tín ngưỡng Siva nơi thực hiện các nghi thức cầu phúc của các cộng đồng cư dân cổ thuộc thời kỳ hậu Óc Eo.

Trong mối tương quan so sánh, kiến trúc gò tháp An Lợi có nhiều nét tương đồng với một số di tích, như: Gò Năm Tước (tỉnh Long An), gò Cây Tung, gò Cây Thị B, gò Giồng Cát (tỉnh An Giang), Lưu Cừ II (tỉnh Trà Vinh), Phước Vinh, Phước Chỉ (tỉnh Tây Ninh).

Niên đại đoán định của kiến trúc khoảng thế kỷ VIII - IX sau Công nguyên. Gò tháp An Lợi có giá trị cao về mặt nghiên cứu khoa học, nguồn gốc lịch sử hình thành vùng đất và nền văn hóa dân tộc đã hơn 1.000 năm. Thời bấy giờ, dân cư địa phương, xây dựng những công trình kiến trúc bằng vật liệu nặng, với bố cục hợp lý để phục vụ xã hội. Từ kết quả nghiên cứu, kiến trúc gò tháp An Lợi đáp ứng nhiều mặt, đặc biệt là nâng cao và bổ sung kiến thức về một loại hình di tích khảo cổ đặc trưng, được bảo tồn hiện hữu tại An Giang.

Với ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng, giá trị khoa học cao, gò tháp An Lợi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích khảo cổ cấp quốc gia theo Quyết định 10/2008/QĐ- BVHTTDL, ngày 26/02/2008. Hiện nay, gò tháp An Lợi đã xây dựng hoàn thành các công trình cải tạo nâng cấp đường đi vào, hàng rào và mái che bảo vệ di tích, nhằm kéo dài tuổi thọ cho di tích, phục vụ tốt cho công tác tham quan, nghiên cứu khoa học.

TRỌNG TÍN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/doc-dao-di-tich-khao-co-go-thap-an-loi-a366015.html