Độc đáo dự án 'Trạm lắp ráp tùy biến theo nhân trắc học' của ba sinh viên

Với dự án thiết kế trạm lắp ráp thủ công tùy biến theo nhân trắc học và giám sát thao tác, ba sinh viên trường ĐH Hàng hải Việt Nam không chỉ giành giải Nhất, Giải thưởng Euréka 2024 mà còn đặt nền móng cho các mô hình sản xuất hiệu quả và an toàn.

Ý tưởng về dự án bắt nguồn từ những vấn đề nhóm nhận thấy trong môi trường làm việc thực tế tại các doanh nghiệp trong nước. Qua khảo sát, nhóm phát hiện rằng, các trạm lắp ráp thủ công hiện nay thiếu tính tùy biến, không phù hợp với nhân trắc học của từng công nhân, dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe như đau mỏi cơ xương khớp, căng thẳng và giảm hiệu suất lao động.

Ngô Vương Quốc (trưởng nhóm dự án) cho biết: “Nhóm nghiên cứu nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải cải tiến thiết kế trạm lắp ráp để tạo ra một không gian làm việc thân thiện hơn, vừa đảm bảo sức khỏe người lao động, vừa nâng cao năng suất cho doanh nghiệp. Từ đó, nhóm đã tập trung nghiên cứu giải pháp dựa trên hai yếu tố chính: Nhân trắc học để tối ưu hóa tư thế làm việc và giám sát thao tác nhằm giảm thiểu sai sót và tăng hiệu quả công việc”.

Mô hình của nhóm dự án.

Mô hình của nhóm dự án.

Trạm lắp ráp được nhóm lên ý tưởng và thiết kế có khả năng tùy chỉnh linh hoạt theo nhân trắc học của từng công nhân. Điều này được thực hiện thông qua hệ thống thẻ Radio Frequency Identification (RFID), cho phép trạm tự động điều chỉnh chiều cao, độ nghiêng, và vị trí các bộ phận theo thông số nhân trắc học cá nhân.

Bên cạnh đó, hệ thống tích hợp các công nghệ tiên tiến như: Camera giám sát thao tác, máy chiếu hướng dẫn trực quan và mô hình nhân trắc học 3D sử dụng camera Kinect để dựng khung xương 25 điểm trên cơ thể, giám sát tư thế và phát hiện các thao tác không an toàn. Ngoài ra, các hộp đựng chi tiết và bàn làm việc có thể tùy chỉnh để phù hợp với sải tay và tầm nhìn của công nhân, cường độ ánh sáng cũng được điều chỉnh để đảm bảo thị lực.

Nhóm giành giải Nhất, Giải thưởng nghiên cứu khoa học Euréka 2024.

Nhóm giành giải Nhất, Giải thưởng nghiên cứu khoa học Euréka 2024.

“Chúng mình kỳ vọng trạm lắp ráp thủ công này sẽ mang lại những thay đổi tích cực đáng kể cho hiệu suất và sức khỏe của công nhân, dựa trên các kết quả khảo sát ban đầu”, Minh Anh cho biết.

Dự án không chỉ mang tính nghiên cứu mà còn có tiềm năng ứng dụng cao trong thực tế. Trạm lắp ráp có thể được triển khai trong nhiều ngành công nghiệp như: Ngành điện tử, ngành cơ khí và đơn vị đào tạo kỹ thuật. Đặc biệt, nhóm đã nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng cũng như sự tài trợ từ các tổ chức.

Nhóm dự án còn được trường ĐH Hàng hải Việt Nam khen thưởng.

Nhóm dự án còn được trường ĐH Hàng hải Việt Nam khen thưởng.

Nhóm có kế hoạch tiếp tục phát triển dự án bằng cách tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). AI sẽ được sử dụng để phân tích dữ liệu thao tác, phát hiện các điểm cần cải tiến, trong khi IoT sẽ giúp kết nối trạm lắp ráp với hệ thống quản lý sản xuất tổng thể. Ngoài ra, nhóm dự định mở rộng sản phẩm sang các dây chuyền sản xuất lớn hơn và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp để triển khai sản phẩm ở quy mô thương mại.

“Khoảnh khắc được vinh danh với thành tích cao nhất tại sân chơi nghiên cứu khoa học Euréka năm 2024, chúng mình không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc. Đó là cảm xúc vỡ òa khi mọi nỗ lực, sự cống hiến và tinh thần đồng đội của cả nhóm được công nhận và đền đáp xứng đáng. Giây phút ấy không chỉ là niềm tự hào, mà còn là động lực để chúng mình tiếp tục chinh phục những thử thách lớn hơn trong tương lai", Minh Anh (thành viên nhóm dự án) chia sẻ.

Ngọc Ánh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/doc-dao-du-an-tram-lap-rap-tuy-bien-theo-nhan-trac-hoc-cua-ba-sinh-vien-post1713619.tpo