Độc đáo đua 'ghe ngo mini' của đồng bào Khmer
Sức sống của môn thể thao truyền thống này được bạn trẻ ở các phum sóc giữ gìn và phát triển với tên gọi 'giải đua ghe ngo mini'.
Thêm sức sống của môn thể thao truyền thống
Lâu nay ai cũng nghĩ đua ghe ngo chỉ có vào dịp lễ hội Ok Om Bok, nhưng những ngày Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Kmer (Tết Chol Thnăm Thmây), nhiều người rất thích thú khi được xem đua ghe ngo mini.
Đua ghe ngo là môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tại các địa phương vùng ĐBSCL. Đua ghe ngo thường diễn ra vào Rằm tháng 10 (âm lịch) hàng năm, nhân dịp Lễ hội Ok Om Bok, thu hút đông đảo người dân và du khách.
Sức sống của môn thể thao truyền thống này còn được bạn trẻ ở các phum sóc giữ gìn và phát triển với tên gọi “giải đua ghe ngo mini”.
Giải đua thường được tổ chức nhân dịp các ngày lễ lớn của đồng bào Khmer trong năm, như: Chol Thnăm Thmây, Sen Dolta, trước và sau lễ Ok Om Bok... Đây là dịp để các bạn trẻ vui chơi, giao lưu, thỏa niềm đam mê, tình yêu với bộ môn thể thao truyền thống của dân tộc.
Trước đây, ghe ngo mini thường được làm từ những loại cây có đặc tính nhẹ, dễ nổi trên mặt nước, như: điên điển, gòn, lau sậy… Về sau, các bạn trẻ đã kỳ công hơn, dùng gỗ đục đẽo phần lõi để tạo thành thân ghe. Sau đó trang trí tỉ mỉ, hoa văn, màu sắc để ghe ngo mini càng giống ghe ngo thật.
Với những chiếc ghe ngo mini được làm tinh xảo, đẹp mắt, mô phỏng theo ghe ngo truyền thống, bạn trẻ ở các phum sóc đã có riêng cho mình một giải đấu sôi động trong những ngày mừng năm mới Chol Thnăm Thmây.
Theo người chơi đua ghe ngo mini, nguyên lý hoạt động của ghe ngo mini khá đơn giản, chỉ với vài sợi dây thun. Một đầu dây thun được cố định ở mũi ghe, đầu còn lại được kết nối với 1 trục quay đặt ở gần cuối thân ghe. Trục quay được gắn 2 mái dầm ở 2 bên thân ghe, với sức kéo của dây thun sẽ khiến dầm chuyển động, giúp ghe di chuyển về phía trước. Để ghe di chuyển thẳng, ổn định về phía trước, ở dưới đuôi ghe được gắn cố định một bánh lái.
Địa điểm tổ chức giải ghe ngo mini thường được chọn là ao hay mương nước trống. Đường đua được chia thành 2 làn, ngăn cách bằng dây, có điểm xuất phát và điểm đích. Độ dài của đường đua tùy theo ban tổ chức quy định, thường từ 15m đến 20m. Ngay sau tiếng còi xuất phát, các chủ ghe sẽ thả dầm, chiếc ghe lao vun vút về trước trong tiếng reo hò, cổ vũ của nhiều người xem 2 bên bờ.
Nếu giải đua ghe ngo truyền thống quy mô lớn, thu hút hàng ngàn vận động viên tham gia thì giải đua ghe ngo mini lại rất đặc biệt khi “không có vận động viên bơi”, mà mỗi ghe chỉ có chủ ghe tham gia thi đấu.
Hun đúc tình yêu thể thao truyền thống
Mặc dù, được xem là một trò chơi dân gian của các bạn nhỏ đồng bào dân tộc Khmer, thế nhưng giải đua ghe ngo mini vẫn được người lớn thường xuyên đứng ra tổ chức.
Anh Kim Hưng, đại diện Ban tổ chức giải ghe ngo mini tại chùa Bưng Cro Chắp Thmây (xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Như thường lệ, vào mỗi dịp Chol Thnăm Thmây chúng tôi đều tổ chức giải cho các bạn nhỏ vui chơi. Năm nay, giải đấu có gần 30 ghe trong xóm ấp tham gia tranh tài và được đông đảo bạn trẻ, người dân hào hứng theo dõi. Tùy theo số tiền đóng góp, ủng hộ của người dân, chúng tôi sẽ tiến hành trao giải theo thành tích từ cao đến thấp.
Đây cũng là sân chơi để những bạn trẻ đồng bào dân tộc Khmer hun đúc tình yêu, niềm đam mê với môn thể thao truyền thống của dân tộc. Qua đó, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc.
Ghe ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer là thuyền độc mộc làm bằng thân gỗ cây sao nguyên vẹn được khoét phần ruột do nghệ nhân và các sư chùa Khmer cùng làm. Chiều dài từ 25 - 30m, mỗi ghe ngo có 20 đến 40 khoang, chứa được khoảng 22 - 25 cặp tay bơi. Đua ghe ngo là phần hội của lễ hội Ok Om Bok, là nghi thức thức tiễn nước sau mùa gieo trồng, chào mừng vụ mùa bội thu, là ngày hội thể thao, biểu tượng tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.
Ghe ngo sau khi đóng xong, được gọt đẽo cho trơn bóng và sơn phết, trang trí rất mỹ thuật. Thân ghe người ta sơn bằng màu đen, trên be (bên hông) sơn một vệt màu trắng, màu vàng, màu đỏ với độ dài khoảng 5cm và hai bên be chạm trổ vẽ vẩy rồng, rắn theo mô típ Naga. Đầu ghe vẽ các hình con thú như: rồng, chim công, sư tử, con cọp, con voi... vừa tượng trưng cho vẻ đẹp đồng thời biểu hiện sức mạnh của ghe đội mình.
Trước đây, từng địa phương thường tổ chức đua ghe ngo tại chỗ để phục vụ bà con nhân dịp lễ Ok Om Bok. Dần dần về sau, cuộc đua ngày càng mở rộng trở thành ngày hội, cuộc đua mang tính chất thể thao, có tính tập trung cao với số lượng ghe ngo càng nhiều.
Ngày hội đua ghe ngo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa tượng trưng cho sức mạnh, vừa mang tính dân gian đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống từ lâu được phổ biến rộng rãi trong các xóm, ấp, phum sóc hay khu vực của cư dân nông nghiệp lúa nước.
Ngày nay, đồng bào Khmer tổ chức đua ghe ngo như là một tục lệ. Coi ngày đua ghe ngo là một ngày hội lớn để mọi người vui chơi, nô nức đi xem để thưởng thức cái đẹp, cái khỏe mạnh hào hùng, cái tài nghệ tuyệt vời của các tay bơi trên sông nước mênh mông.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doc-dao-dua-ghe-ngo-mini-cua-dong-bao-khmer-post636456.html