Độc đáo dùng ong thụ phấn dưa thay lao động

Đặt 3 đàn ong mật trong nhà lưới hơn 2.000 m2, có thể thay thế cho 10 lao động thủ công thụ phấn cho dưa. Dưa hấu canh tác đại trà ngoài các cánh đồng cũng được nhiều hộ đặt ong thụ phấn. Với nhiều lợi ích nên ngày càng có nhiều chủ mô hình trồng dưa áp dụng, đã hình thành thêm 'nghề' đặt ong thụ phấn cho dưa trên khắp huyện Nga Sơn.

Dùng ong mật thụ phấn cho dưa đang được nhiều hộ dân huyện Nga Sơn áp dụng.

Đặt ong tại các mô hình nhà lưới trồng dưa vàng, dưa lưới được áp dụng rộng rãi trong huyện.

Người đầu tiên cho ong thụ phấn dưa ở huyện Nga Sơn có lẽ là anh Nguyễn Văn Nam với khu nông trại theo hướng công nghệ cao ở xã Nga Thạch. Được đầu tư từ năm 2018, khu nông trại hơn 3 ha ở thôn Phương Phú được anh Nam chuyên canh dưa lưới Ta ki, dưa vàng Kim Hoàng Hậu, dưa hấu và một số loại hoa. Những đợt hoa dưa nở rộ, từng đàn ong cần mẫn bay khắp khu vườn, chuyển từ hoa nọ sang hoa kia để hút mật.

Thấy việc dùng ong thụ phấn cho các loại dưa có hiệu quả nên ông chủ nông trại sinh năm 1987 cắt giảm dần lao động thụ phấn dưa những đợt cao điểm mà vẫn hiệu quả. Anh thử ngghiệm chuyển một số đàn ong vào chăm sóc trong từng nhà lưới, việc thụ phấn cho dưa vàng, dưa lưới ngày càng gặt hái thành công.

Cần căn thời điểm ra hoa rộ nhất mỗi lứa dưa để đặt ong trước khoảng 1 tuần cho quen địa điểm.

Không chỉ dưa vàng trong nhà lưới, nhiều hộ trồng dưa hấu trong vườn nhà hay cánh đồng ở huyện Nga Sơn cũng tự phát triển các đàn ong để thụ phấn quanh năm, lại vừa có thêm nguồn thu từ thu hoạch mật ong.

Trước đây, việc thụ phấn cho dưa tốn rất nhiều công lao động thủ công, người nông dân ở “thủ phủ” dưa hấu xứ Thanh khá vất vả.

Nhiều người trồng dưa đều khẳng định, vào những đợt mưa hoặc nắng to, yêu cầu việc thụ phấn dưa phải nhanh để không bị khô bầu nhụy, nếu con người làm không kịp hoặc kéo dài thì chất lượng quả dưa sau này không tốt. Ngược lại, dùng ong thụ phấn nhanh và đều, trái dưa phát triển tròn và to hơn.

Gia đình anh Hoàng Anh Tuấn ở thôn Đông Thái, xã Nga Bạch đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới 2.700 m

2

từ năm 2020. Trước đây, mỗi đợt dưa vàng kim hoàng hậu trong nhà lưới ra hoa rộ, anh Tuấn phải thuê thêm 10 lao động địa phương để tập trung thụ phấn cho dưa trong khoảng 5 đến 6 ngày. Tính công lao động 200 nghìn đồng/người/ngày, vị chi thuê nhân công chỉ cho khâu thụ phấn mỗi lứa dưa tốn khoảng 10 triệu đồng/lứa. Mỗi năm canh tác 3 lứa dưa vàng, tiền thuê nhân công thụ phấn đã tốn 30 triệu đồng. Gần đây, anh nhận thấy dùng ong thụ phấn dưa hiệu quả hơn nên mỗi năm thuê 3 đợt ong về đặt ngay trong khu canh tác từ 7 đến 10 ngày, chỉ hết 2,5 triệu đồng.

Nhiều chủ mô hình canh tác dưa ở huyện Nga Sơn cũng khẳng định, thụ phấn dưa bằng ong còn có nhiều lợi ích khác, không phải hướng dẫn kỹ thuật và giám sát làm việc như thuê lao động.

Trên thực tế, Nga Sơn là địa phương đi đầu cả tỉnh trong phát triển hệ thống nhà màng, nhà lưới để xây dựng các mô hình trồng trọt. Đến nay, toàn huyện đang có gần 30.000 m

2

nhà màng, nhà lưới phát triển mô hình trồng trọt, trong đó chủ yếu là dưa vàng kim hoàng hậu.

Hoa dưa đến kỳ nở xòe cần được thụ phấn kịp thời để chất lượng quả tốt nhất. Theo đó, ngày càng có nhiều chủ mô hình trồng trọt trong nhà lưới dùng ong thụ phấn dưa, đã hình thành nên “nghề” cho thuê ong, đưa đến tận nhà lưới để đặt và chăm sóc.

Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ong-kinh-phong-vien/doc-dao-dung-ong-thu-phan-dua-thay-lao-dong/26863.htm