Độc đáo hình tượng rắn
Những tưởng rắn là loài động vật tầm thường, nhưng hóa ra lại rất gần gũi và được coi trọng trong tín ngưỡng của người nông dân trồng lúa nước Việt Nam. Từ hơn 2.000 năm trước, rắn đã trở thành hình tượng đẹp, chứa nhiều thông điệp trong nghệ thuật tạo hình.
Rắn là loài vật được triều đình nhà Nguyễn rất coi trọng. Khi đúc Cửu Ðỉnh (9 cái đỉnh lớn biểu tượng cho sự trường tồn của các vua Nguyễn) vào năm 1835, Hoàng đế Minh Mạng đã trực tiếp tuyển chọn khắc trên bảo vật này các biểu tượng của nước Ðại Nam, được coi là một “Bách khoa thư” bằng hình ảnh hết sức sinh động. Mỗi đỉnh được chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí... Tổng cộng gồm 153 họa tiết và 9 họa thư, đẹp về mỹ thuật tạo hình và hoàn hảo về kỹ thuật đúc, tinh xảo.
Trong số 162 hình khắc được tuyển chọn, duy nhất có loài rắn được khắc tới 2 lần trong khi các loài động vật khác chỉ được khắc 1 lần. Ðó chính là hình khắc trên Anh Ðỉnh (thụy hiệu của vua Tự Ðức) chua chữ là “Nhiêm Xà”, tức là một loài rắn mà hiện nay vẫn chưa biết tên là loài gì, có đặc tính là nằm cuộn thành nhiều vòng, cổ nghển cao, hai hàm răng đang ngậm chặt mồi. Có người cho rằng, nghệ sĩ đúc đồng thời Nguyễn có thể miêu tả loài rắn hổ mang thường có tập tính là đầu rắn thường nghển cao khi gặp nguy hiểm, khi ăn hay khi “nghe” tiếng sáo thổi của các nhà thôi miên Ấn Ðộ...
Trên chiếc Huyền Ðỉnh cũng có khắc hình một con trăn lớn với chú thích là “Mãng Xà”, cũng là một loài... “xà” nghĩa là rắn, có lẽ là loại rắn có kích thước và cân nặng lớn nhất.
Trong nhiều công trình nghiên cứu về Cửu Ðỉnh có sự nhầm lẫn khi cho rằng cả Nhiêm Xà và Mãng Xà đều là con trăn, thực ra hai con đều có sự phân biệt ngay trong tập tính và vẻ đẹp mỹ thuật tạo hình. Cũng còn có sự lẫn lộn khi đọc chữ Hán Nôm ở hai hình rắn trên Anh Ðỉnh và Huyền Ðỉnh không chính xác...
Việc đưa hình tượng rắn lên Cửu Ðỉnh là sự tôn trọng của người xưa đối với con vật này, chưa kể, rắn còn được đưa lên thành biểu tượng của một năm, năm Tỵ trong hệ lịch Can Chi 12 năm xuất hiện một lần. Người xưa có tín ngưỡng thờ rắn. Cách đây hơn 2.000 năm, cư dân Việt cổ thời văn hóa Ðông Sơn đã đúc hình tượng đôi rắn cuốn nhau, ngậm chân voi, trên lưng voi lại được đặt một chiếc trống đồng. Ðấy là tín ngưỡng phồn thực cổ xưa, mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt như cảnh đôi rắn đang cuốn nhau, sinh sôi nảy nở...
Rắn còn được người xưa cách điệu hóa thành một linh vật quan trọng nhất, không tồn tại trong thực tế đời sống nhưng lại trở thành con vật đời nào cũng có. Ðó là con rồng. Thoạt đầu, vào thời dựng nước, người Việt cổ đã sáng tạo ra Giao Long, vừa có nét cá sấu, vừa có nét rắn, cũng với từng cặp đăng đối nhau có mặt trên trống đồng, thạp đồng, các tấm hộ tâm phiến, rìu đồng...
Việc đưa hình tượng rắn lên Cửu Đỉnh là sự tôn trọng của người xưa đối với con vật này, chưa kể, rắn còn được đưa lên thành biểu tượng của một năm, năm Tỵ trong hệ lịch Can Chi 12 năm xuất hiện một lần.
Hình tượng rồng cuốn vào nhau còn tồn tại trong thời Trần. Các vua, quan và binh lính Trần đã từng xăm hình rồng ở bụng, lưng và hai bắp đùi, gọi là “Thái Long” (Rồng Hoa). Hình ảnh những con rồng thời Lý - Trần đã lấy cái đẹp uốn lượn của hình tượng thân con rắn để làm cái cốt đắp thêm vào các bộ phận của các con vật khác mà thành như có vòi mềm mại, cặp răng nanh, có 4 chân và móng chim...
Có lẽ trong suốt thời gian rồng tồn tại trong lịch sử Việt Nam, hình tượng rồng Lý - Trần là hình tượng rồng đẹp nhất, nhiều nhà khoa học gọi là loại rồng rắn hay rồng giun nhờ có những đoạn uốn khúc mềm mại, tròn lẳn có thể thích hợp với các bố cục không gian từ trang trí bệ đá thờ, lá đề, ô cánh cửa hình chữ nhật...
Hình ảnh rắn còn có mặt ở Ðạo Mẫu. Trong vòng vài chục năm gần đây, nhiều điện thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ có hình rắn, cũng có khi là ở phía sau của ngôi chùa, theo kiến trúc Tiền Phật, Hậu Mẫu. Một trong những đặc trưng trang trí nội thất của các điện Mẫu là trên xà nhà phải có cặp rắn uốn lượn ở hai bên, hình tượng rắn màu xanh gọi là Thanh Xà đại tướng, rắn màu trắng gọi là Bạch Xà đại tướng. Dân gian quen gọi là Ông Lốt. Ðó là những vị tướng trong Ðạo Mẫu có nhiệm vụ trừ tà, diệt quỷ, canh giữ âm binh đường thủy...
Nét đẹp của rắn còn thể hiện trong trạng thái oan ức, phẫn uất qua biểu tượng của thần rắn được điêu khắc trên đá, hình tượng của một con rắn có mắt hình cầu, có vẩy, hai hàm răng nhọn đang cắn vào chính thân mình ở đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (xã Ðông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Bức tượng giàu tính biểu cảm, lột tả được tâm trạng của vị Thái sư trong vụ án oan “Hóa hổ” để hại vua Lý Nhân Tông trên hồ Dâm Ðàm (Hồ Tây) năm 1075 mà không thanh minh được.
Nếu như ở miền Bắc nước ta, hình tượng con rắn được hóa thân vào con rồng kể từ thời Lý - Trần cho đến thời Nguyễn, thì ở miền Nam, con rắn đã trở thành các bức tượng điêu khắc đẹp. Hình tượng rắn của nghệ thuật điêu khắc Ấn Ðộ giáo và Phật giáo Nam Tông đã truyền vào phía Nam nước ta qua con đường trung gian Thái Lan, Campuchia. Ðó là tượng thần rắn nhiều đầu Naga. Tượng rắn 3 đầu tượng trưng cho Thiên - Ðịa - Nhân, 5 đầu tượng trưng cho Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Thổ, Hỏa), 7 đầu thể hiện sự đắc đạo... Hình tượng rắn nhiều đầu thường thấy ở trong văn hóa của người Khmer ở cả Ðồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) và Ðồng bằng Xiêm Riệp (Campuchia). Những con rắn Naga đã được thể hiện trên đá, gỗ, kiến trúc với trình độ điêu khắc khá tinh xảo.
Người nông dân ở khắp đất nước ta, cũng như ở các nước láng giềng đã gắn bó với hình tượng con rắn gần gũi, thân thương trong hàng chục thế kỷ, họ coi rắn là thần, được nhân cách hóa, được xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày và trong cả tâm thức sâu xa, trong những truyền thuyết, câu chuyện dân gian, trong những mảng trang trí hay tượng tròn, phù điêu đẹp đẽ. Có lẽ ít con vật nào được coi là biểu tượng của cái đẹp, cái phồn thực, lại tượng trưng cho vị thần nước giúp người trồng lúa nước có những tín ngưỡng, lễ hội cầu mong có nguồn nước dồi dào giúp cho mùa màng bội thu.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/doc-dao-hinh-tuong-ran-723474.html