Ngày 3-2 (tức Mùng 6 Tết), Lễ hội Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội chính thức khai hội với các hoạt động dâng hương, lễ rước.
Lễ hội Cổ Loa được tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ đức vua An Dương Vương, người có công sáp nhập bộ tộc Âu Việt - Lạc Việt thành quốc gia Âu Lạc hùng mạnh, mở mang bờ cõi xuống đồng bằng, miền biển, dựng kinh đô ở Cổ Loa (nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Lễ hội cũng đồng thời lan tỏa nét văn hóa của địa phương, qua đó quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng và con người Cổ Loa.
Nghi thức dâng hương, tế lễ được các cụ ông thực hiện nhằm mục đích đón rước và thỉnh mời thần về dự hưởng lễ vật. Đây là dịp để dân làng chúc tụng thần, bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với thần linh, mong thần phù hộ cho dân làng bình yên, hạnh phúc, quốc thái dân an...
Lễ hội Cổ Loa thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân trong vùng đến tham dự.
Sau nghi thức tế lễ là nghi thức rước kiệu Bát xã (nghênh rước kiệu). Có 8 kiệu xuất phát từ đền Thượng, kiệu làng Cổ Loa dẫn đầu, sau đó lần lượt đến rước kiệu của các làng Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Cưu.
Đoàn rước từ sân Rồng Thượng xuống sân Rồng Hạ, ra cửa đền, rẽ sang phải đi về phía tây, vòng xuống phía nam, quanh hồ giếng Ngọc sang bên phía đông đến ngã tư thì đoàn rước của làng Cổ Loa rước thẳng vào đình Ngự Triều Di Quy ngự ở đó.
Theo Ban tổ chức Lễ hội Cổ Loa, người khiêng kiệu, người hành lễ được chọn trước phải tu tịnh, đảm bảo tính thanh khiết và lòng trung hiếu trước di tích vương thành.
Điều này thể hiện sự nghiêm túc và trang nghiêm trong việc bảo tồn và kế thừa giá trị truyền thống.
Lễ hội Cổ Loa diễn ra trong 2 ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng, với nhiều nghi thức độc đáo.
Lễ hội Cổ Loa thu hút không chỉ người dân của 8 làng tại đây mà còn nhiều du khách ở các vùng lân cận, tạo nên bầu không khí sôi động và hấp dẫn. Đại diện Ban tổ chức lễ hội thông tin, lễ hội năm nay đã đón gần 100.000 lượt du khách tham gia.
Từ khắp các ngả đường, đâu đâu cũng gặp các đám rước với cờ, quạt, nghi trượng, kiệu phường bát âm và màu cờ sắc áo lễ phục rực rỡ.
PHI HÙNG