Độc đáo hội 'ném nhau, choảng nhau' bằng trứng, cà chua để may mắn ở Thanh Hóa
Mùng 6 Tết hàng năm, người người xa gần lại kéo đến chợ Chuộng thuộc làng Giang, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa để cùng 'ném rủi, nhận may' trong dịp đầu Xuân năm mới.
Không biết tự khi nào mà câu tục ngữ "Chết bỏ con, bỏ cháu. Sống không bỏ mùng 6 chợ Chuộng" đã ở trong tiềm thức nhiều người dân xứ Thanh.
"Dến hẹn lại lên" vào mùng 6 tháng Giêng hằng năm người dân các vùng Đông Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, TP. Thanh Hóa… lại nô nức về chợ Chuộng để được "ném nhau, choảng nhau" bằng cà chua, táo, trứng vịt, trứng gà cầu may mắn. Năm nào có nhiều người "ném nhau" thì năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người sẽ gặp may mắn…
Tục lạ trên được các cao niên làng Giang kể lại rằng, "choảng nhau" bằng cà chua và trứng để nhận may mắn tại chợ Chuộng trong dịp đầu xuân năm mới được bắt nguồn từ thời Vua Lê. Khi giặc đến xâm lược bờ cõi nước ta, một vị tướng đã dẫn quân đi đánh giặc, khi đi ngang qua vùng đất Đông Hoàng, cạnh sông nhà Lê vào đúng mùng 6 Tết Nguyên Đán, quân ta đã bị giặc phát hiện và lùng bắt.
Để che mắt bọn giặc, người dân liền giả vờ tổ chức ngay một phiên chợ, "biến" tướng và binh lính thành người dân buôn bán. Khi đó, tất cả đều được cải trang thành dân cày, còn vũ khí được cất giấu trong các đống rau quả, lều quán. Quân giặc đuổi tới nơi, nhìn phiên chợ do người dân dựng lên, cứ tưởng đây là một phiên chợ thật, nên quân giặc không chút đề phòng, chú ý.
Lợi dụng lúc giặc mất cảnh giác, vị tướng đã phát động binh lính và nhân dân cùng phản công. Bằng sự đoàn kết, mưu trí, dũng cảm ấy, nghĩa sỹ Lam Sơn đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Sau đó, nhà vua đã trọng thưởng cho những người dân nơi đây… Kể từ đó, để tưởng nhớ về sự kiện này, hàng năm, người dân lại tổ chức phiên chợ Chuộng với phần đánh nhau, "choảng nhau" giả như một nét văn hóa truyền thống.
Cứ thế vào mùng 6 tháng Giêng hằng năm chợ Chuộng họp bên mép sông nhà Lê. Nhiều người dân đến chợ không đến tay không mà mang theo "vũ khí" là trứng vịt, gà, quả táo, cà chua để "choảng" vào người khác. Điều đặc biệt ở chợ Chuộng là cả người "ném" và người "bị ném" đều được may mắn, an nhiên, bởi thế không một ai nề hà hay bực tức mỗi khi bị "choảng" vào người.
Đến chợ Chuộng dịp đầu xuân năm mới, người mua muốn nhanh, người bán muốn hết hàng thì không một ai quan tâm đến giá cả. Việc mua bán, trả giá chỉ qua loa, người mua nên trả một, hai giá sau đó người bán sẽ bán nhanh để cùng nhau nhận may mắn, an lành. Theo các bậc cao niên làng Giang, đôi khi cải rủi của người này bán cho người khác lại là điều may và ngược lại nên giá cả trong phiên chợ Chuộng chỉ mang tính tượng trưng, điều cốt yếu là sau khi mua - bán hai bên đều vui vẻ.
Chợ Chuộng họp từ lúc tờ mờ sáng đến chiều tối mới vãn. Cũng như các chợ truyền thống khác, chợ Chuộng bán nhiều hàng hóa song ưu tiên nhiều nhất vẫn là cà chua, bởi cà chua được xem là "vũ khí mềm" của nhiều người để "ném" vào người khác. Cà Chua mềm, có màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn trong năm mới nên người bị "ném" không bị đau mà đổi lại nhận được nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Với quan niệm đi chợ để "nhận may, ném rủi", đến chợ ai cũng mong muốn rũ bỏ những bận bịu, buồn phiền, điều không may trong năm cũ và đón may mắn về nhà trong năm mới. Mọi người cho rằng càng ném được nhiều, càng vứt đi nhiều điều không may mắn, rủi ro, đồng thời càng "bị" nhiều người ném lại tức là càng "nhận" được nhiều may mắn, thuận lợi trong năm mới.
Đi chợ Chuộng để "choảng nhau" dịp đầu Xuân là một nét văn hóa truyền thống nơi quê hương làng Giang và đến đây để có được những niềm vui, may mắn trong một năm mới.