Độc đáo Hội thi kéo côn bắt cá mùa nước nổi ở Hậu Giang
Hôm nay 30/10, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nhộn nhịp tổ chức Hội thi kéo (đẩy) côn bắt cá mùa nước nổi. Thông qua hoạt động này nhằm duy trì và bảo tồn ngành nghề đánh bắt, cũng như tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản đúng quy định.
Gần 20 năm làm nghề kéo côn bắt cá đồng vào mùa nước nổi, nhưng năm nay có lẽ là năm vui nhất đối với ông Huỳnh Chí Khải ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang vì được địa phương chọn làm đại diện tham gia tranh tài trong Hội thi kéo côn do huyện tổ chức. Theo ông Khải, đây là dịp để những người làm nghề được gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
“Ở vùng ĐBSCL, tới mùa nước nổi ai cũng ra ruộng kiếm cá. Tới mùa nước nổi thì nông dân chỉ đi ruộng chút xíu là có cá ăn cơm trong ngày rồi. Năm nay là năm đầu tiên tôi đại diện cho thị trấn Kinh Cùng đi thi, tôi thấy đây là cuộc thi ý nghĩa và hấp dẫn đối với nhà nông”.
Cách đây 5 năm, xã Hòa Mỹ là địa phương đầu tiên của huyện Phụng Hiệp tổ chức Hội thi kéo côn bắt cá mùa nước nổi. Qua từng năm Hội thi được phát triển với quy mô ngày càng lớn. Năm nay, Hội thi được UBND huyện Phụng Hiệp tổ chức với sự tham gia của 16 đội. Mỗi đội gồm 1 nam và 1 nữ, đại diện cho 15 xã, thị trấn trong huyện, trong đó xã Hòa Mỹ có 2 đội tham gia. Trong khoảng thời gian 120 phút trên cánh đồng nước gần 2ha, đội nào kéo côn bắt được nhiều cá nhất sẽ giành chiến thắng.
Ông Trịnh Văn Sang - Trưởng ấp 3, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp cho biết: “Tôi thấy kéo côn là cuộc thi có ý nghĩa, từ đó tạo điều kiện để ấp kết hợp với UBND xã Hòa Mỹ triển khai mô hình này. Qua triển khai cho thấy cuộc thi vừa giúp người dân giải trí, vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản, người dân bắt cá bằng kéo côn chỉ bắt cá lớn còn nguồn cá nhỏ được bảo tồn”.
Hàng năm khi nước lũ tràn về, người dân ĐBSCL lại nhộn nhịp kéo côn bắt cá trên những cánh đồng trắng nước. Đây là loại hình bắt cá khá đơn giản, không tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng giúp người dân có thêm thu nhập giữa mùa giáp hạt.
Côn là dụng cụ được làm bằng những cọng sắt nhỏ được máng vào một sợi dây nylon may dính với nhau, với khoảng cách 20 cm mỗi cọng, chiều dài luồng côn từ 12 đến 15 m được làm bằng tre. Để có được giàn côn vững, cân bằng thì cần phải hàn ống sắt theo hình chữ V và một ống nối thẳng đứng để kết nối các bộ phận lại với nhau. Kế tiếp dùng 2 cây tre cho vào ống tuýp, 2 bó côn được mắc dọc theo tre và buộc lại bằng dây với khoảng cách chừng 2 mét mỗi mối. Sau đó sử dụng một đoạn tre ngắn dựng đứng để mắc dây kéo luồng côn cao hơn mặt nước. Sau khi thả giàn côn xuống đồng ruộng ngập nước được đặt phía trước mũi ghe, người đẩy côn đứng ở lái ghe dùng cây sào chống để tạo lực đẩy ghe lao về phía trước, lúc đó que côn chạm cá, cá chúi tạo thành một vùng bong bóng nước, còn gọi là tim. Đợi cho lớp tim này tan hết và có một vài tim khác nổi lên ngay vị trí đó, người đẩy côn sẽ lội xuống ruộng dùng nơm nơm xuống, sau đó thọt tay vào miệng nơm mò bắt cá.
Theo ông Trần Không Dận - Phó chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, Hội thi kéo côn bắt cá mùa nước nổi không chỉ là sân chơi mang đến không khí tươi vui sôi nổi cho người dân, mà còn mang nhiều ý nghĩa tích cực.
“Năm nay đã nâng Hội thi này lên quy mô cấp huyện. Qua đó nhằm quảng bá hình ảnh đất và người Phụng Hiệp, đồng thời truyền lại kinh nghiệm bắt cá từ bao đời nay của người dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, cũng như của vùng ĐBSCL khi mỗi mùa nước lên nông nhàn thì người dân sẽ tổ chức đánh bắt cá theo hình thức truyền thống như giăng lưới, câu, đặt lờ, lợp, kéo côn… để bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.
Bên cạnh tổ chức cho các đội kéo côn tham gia tranh tài, huyện Phụng Hiệp cũng tiến hành thả cá nhằm tái tạo nguồn thủy sản trên đồng ruộng. Theo kế hoạch, những năm tới đây địa phương này sẽ phát triển mô hình du lịch trải nghiệm cho du khách tham quan khám phá hình thức đánh bắt thủy sản truyền thống này khi mùa nước nổi về.