Độc đáo hội vật truyền thống làng Sình ở Thừa Thiên Huế
Sáng nay (31/1) nhằm ngày 10 tháng Giêng âm lịch, hội vật làng Sình đã được tổ chức tại khu vực đình làng Lại Ân (còn gọi là làng Sình), thuộc xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một hoạt động văn hóa truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người dân địa phương nơi đây.
Làng Sình là một trong những làng được hình thành khá sớm của xứ Thuận Hóa. Ngoài nghề làm tranh mộc bản cổ truyền rất nổi tiếng, làng Sình hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của cha ông, trong đó có hội vật được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người dân địa phương và khách thập phương về tham dự.
Hội vật làng Sình chỉ diễn ra trong một ngày và có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức khá tôn nghiêm tại đình làng Lại Ân. Tại đây, các cụ cao niên trong làng làm nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của trưởng tộc ở đình làng. Sau đó phần hội chính thức được bắt đầu. Hội vật làng Sình về cơ bản áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc là phải đánh ngã đối thủ ở tư thế “lấm lưng trắng bụng”, đồng thời giữ hoặc đè được đối thủ trong vòng 3 giây là thắng.
Nét đặc trưng của hội vật làng Sình là bất kỳ khán giả nào cũng có thể đăng ký tham gia. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống giàu tinh thần thượng võ, khích lệ việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí của lớp trẻ. Đối với người dân địa phương, hội vật còn mang ý nghĩa tâm linh là cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Theo những người già ở làng Sình kể lại, hội vật truyền thống của làng đã có lịch sử hơn 200 năm, và phát triển liên tục cho đến nay. Hội vật này khác hẳn với hội vật ở một làng quê khác, bởi người dân tổ chức hội vật như một hình thức giải trí đơn thuần sau những ngày tết chứ không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho triều đình phong kiến lúc bấy giờ.
Một nét độc đáo ở hội vật làng Sình là tinh thần đồng đội ở các địa phương, một đô vật của làng nào bị thua sẽ có đô vật khác lên tiếp sức. Nếu để thua một trận các đô vật phải chờ đến năm sau mới “phục hận” được, vì thế các đô vật thường rèn luyện suốt năm, tu dưỡng đạo đức để chờ đầu xuân tham dự, tranh tài.