Độc đáo kiến trúc chùa Một Cột

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, phía Pháp giở nhiều trò phá quấy trước khi rút quân khỏi Hà Nội. Ngày 10/9/1954, họ cho quân đặt mìn phá đổ chùa Một Cột, một công trình có giá trị được xây dựng từ thời Lý. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, bộ Văn hóa Việt Nam dân chủ cộng hòa đã cho xây lại theo đúng mẫu chùa thời Nguyễn và từ đó đến nay diện mạo chùa không thay đổi.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, phía Pháp giở nhiều trò phá quấy trước khi rút quân khỏi Hà Nội. Ngày 10/9/1954, họ cho quân đặt mìn phá đổ chùa Một Cột, một công trình có giá trị được xây dựng từ thời Lý. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, bộ Văn hóa Việt Nam dân chủ cộng hòa đã cho xây lại theo đúng mẫu chùa thời Nguyễn và từ đó đến nay diện mạo chùa không thay đổi.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa được xây dựng vào tháng 10 năm Kỷ Sửu, (l049) thời Lý Thái Tông. Vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua kể lại cho quần thần nghe, có quan cho là điềm không lành nên sư Thiền Tuệ khuyên ngài nên dựng một ngôi chùa trên cột đá ở giữa hổ Linh Chiểu mang dáng bông sen nở nên gọi là Liên hoa đài, trong chùa tạc pho tượng Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen như nhà vua đã gặp trong mộng. Vua nghe theo và khi khánh thành chùa các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa tung kinh, niệm Phật cầu chúc cho vua sống lâu nên gọi là chùa Diên Hựu.

Năm 1080, vua Lý Nhân Tông cho đúc quả chuông đồng lớn để treo ở chùa, quả chuông được đặt tên Giác thế chung (có nghĩa là thức tỉnh mọi người). Dựng phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng để treo quả chuông này, nhưng vì chuông quá nặng không sao treo lên được, phải để dưới đất nên đánh không kêu, phải bỏ ở ruộng rùa của chùa, nên có tên là chuông Quy Điền (ruộng rùa). Chuông này là một trong “tứ đại khí” của nước Nam. Năm 1426, khi quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây ở thành Đông Quan, tướng giặc Minh lúc ấy là Vương Thông bèn sai người đem phá quả chuông lấy đồng đúc vũ khí.

Đến triều Trần chùa vẫn mang tên Diên Hựu và qua nhiều đợt tu sửa, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép “mùa xuân tháng Giêng năm 1249 sửa lại chùa Diên Hựu xuống chiếu vẫn dựng chùa ở nền cũ”. Đến thời Lê, triều đình nhiều lần cho tu sửa, thu nhỏ kích thước đài sen và cột đá. Vào thời Nguyễn, năm 1838, Tổng đốc Hà Ninh là Đặng Văn Hòa tổ chức quyên góp thập phương lấy tiền sửa chữa điện đường, hành lang tả hữu, gác chuông và tam quan. Năm 1802, bố chính Tôn Thất Giao xin đúc chuông mới. Năm 1864, Tổng đốc Tôn Thất Hàm hưng công trùng tu làm sàn gỗ hình bát giác để đỡ tòa sen, chạm trổ thêm công trình nhiều ý nghĩa.

So với quy mô và hình thức thời Lý, chùa Một Cột ngày nay đã thay đổi khá nhiều, tuy nhiên, lối kiến trúc nhất trụ là không thay đổi. Chùa có kết cấu hình vuông mỗi chiều 3m, làm bằng gỗ, mặt tiền để ngỏ, 3 phía còn lại làm bằng ván gỗ, phía trên có mái ngói, bốn góc uốn cong tạc hình lưỡng long chầu nguyệt. Toàn bộ kiến trúc chùa được xây dựng trên một cột đá hình trụ có đường kính 1,2m cao 4m chưa kể phần chìm dưới nước. Trụ đá gồm 2 khối gắn liền với nhau, thoạt nhìn tưởng như là một khối. Phần trên thân trụ mang 8 cánh gỗ trông tựa bông sen nở, gắn liền với mộng 8 cột của chùa (4 cột lớn và 4 cột phụ). Các cột này đỡ lấy các đòn ngang của mái chùa. Nóc chùa có mặt nguyệt bốc lửa, 2 đầu rồng chầu về mặt nguyệt. Tượng đức Phật Quan Thế Âm ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thếp vàng đặt ở vị trí cao nhất. Phía trên tượng Phật là hoành phi Liên hoa đài. Chùa có độc nhất một lối nhỏ dẫn vào chính điện bằng 1 cầu thang 10 bậc, lát gạch chỉ, hai bên có thành tường xây gạch.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, chùa Một Cột không chỉ là công trình của Phật giáo mà chùa còn trở thành biểu tượng trường tồn của dân tộc.

N.N.T

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/doc-dao-kien-truc-chua-mot-cot-a452813.html