Độc đáo làng biển Cảnh Dương
Cảnh Dương là xã ven biển trù phú của huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Với gần 400 năm lịch sử, Cảnh Dương không chỉ giàu truyền thống khoa bảng, địa linh nhân kiệt, mà còn là làng chiến đấu nổi tiếng thời chống Pháp, 2 lần được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trải qua bao thăng trầm, nơi đây vẫn giữ được cái hồn của một làng chài ven biển với nhiều nét văn hóa đặc trưng.
Hiện nay, Cảnh Dương là một trong những địa phương có hạ tầng kỹ thuật, giao thông nông thôn tốt nhất trong tỉnh và có nhiều kiến trúc độc đáo - nhà cổ bằng đá san hô trong lòng đô thị đang phát triển. Cảnh Dương còn nhiều làng nghề truyền thống như làm nước mắm, thuyền thúng, nghề mộc... Ngoài ra, nơi đây còn có các giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng độc đáo như Linh Ngư miếu, đình thờ Tổ - nơi thờ các vị tiền hiền khai khẩn vùng đất này và cũng là nơi trưng bày nhiều hiện vật văn hóa quý giá: Quả chuông lớn mang tên “Cảnh viện hồng chung” (đúc vào đời vua Cảnh Thịnh năm 1801), 2 tấm bia đá khắc tên các vị khoa bảng của làng; tục truyền lửa vào đêm giao thừa; lễ hội cầu ngư vào rằm tháng giêng...
Lễ hội cầu ngư tại làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) - Ảnh internet
Linh Ngư miếu là nơi thờ 2 bộ xương cá voi có chiều dài lớn nhất tại Việt Nam (gần 27m). Theo truyền thuyết của làng, cá bà và cá ông vào “lụy” (bị nạn) ở Cảnh Dương. Gia phả Tây Trung họ Trương (còn gọi là Trương Trung Tây gia phả) có ghi: “cá bà vào vùng biển này năm Kỷ Tỵ (năm 1809) đời Gia Long thứ 9, cá ông vào năm Đinh Mùi (năm 1907) đời Duy Tân thứ 16”. Người dân đã chôn cất, xây miếu thờ từ đó, bộ xương cá bà được thờ ở bên phải và bộ xương cá ông được thờ ở bên trái. Theo chuyên gia, đây là các bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời nhất tại Việt Nam, có thể được ghi vào kỷ lục Việt Nam sau khi hoàn thành việc phục chế. Không chỉ vậy, Cảnh Dương còn có nghĩa địa cá voi, nơi yên nghỉ của khoảng 17 cá ông, cá bà tại làng trong hơn 375 năm nay.
Từ những tiềm năng và lợi thế về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn cùng vị trí thuận lợi, Cảnh Dương được chọn phát triển thành làng văn hóa, du lịch đặc trưng với nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, khu du lịch cộng đồng kiểu mẫu của Quảng Bình. Để khoác lên màu áo mới cho làng chài Cảnh Dương, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã phối hợp UBND huyện Quảng Trạch khởi động Dự án vì biển đảo quê hương “Bích họa tương lai” từ đầu năm 2018. Những bức tranh lớn xen kẽ giữa các bức tường đá san hô cổ kính, rêu phong hàng trăm năm tuổi dọc theo đường làng đã mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách. Với sự tỉ mỉ và kỳ công, các họa sĩ đã lột tả những câu chuyện về quá trình hình thành, phát triển, truyền thống anh hùng trong kháng chiến, những nét đẹp bình dị của làng cùng nhiều phong tục tập quán của người dân địa phương. Từ hiệu ứng tích cực của con đường bích họa trong thời gian qua, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình tiếp tục phối hợp thực hiện và kêu gọi đầu tư triển khai các khu vực dịch vụ để mang đến du khách những sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng, sự trải nghiệm khác biệt chỉ có thể cảm nhận tại Cảnh Dương. Cụ thể, Sở Du lịch đã phối hợp với xã Cảnh Dương và đơn vị thi công hoàn thiện cung đường bích họa đợt 2 với 22 tranh, nâng tổng chiều dài của cung đường bích họa lên 1.000m. Đồng thời, phía bãi biển, một khu trang trí nghệ thuật sắp đặt với tổng diện tích gần 400m2, phần lớn tận dụng vật tư sẵn có tại địa phương hoặc đồ tái chế cũng được hoàn thiện, trở thành điểm du lịch lý tưởng cho du khách. Đây cũng là mô hình điểm để tiếp tục nhân rộng tại các bãi biển trên địa bàn tỉnh và giáo dục, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường cho giới trẻ, cộng đồng dân cư (*).
Thanh Trà
(*) Tham khảo nguồn quangbinh.gov.vn
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/doc-dao-lang-bien-canh-duong-482711