Độc đáo làng nghề hoa giấy Thanh Tiên
Trải qua hơn 300 năm, người dân làng hoa giấy Thanh Tiên vẫn tiếp nối truyền thống cha ông để lại nhằm gìn giữ làng nghề truyền thống đặc sắc của vùng đất cố đô Huế.
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, làng hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) lại nhộn nhịp người ra vào. Trước đây, hoa giấy được dùng nhiều trong việc thờ cúng. Qua thời gian, với đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, hoa giấy Thanh Tiên ngày nay còn được dùng để trang trí vào mỗi dịp Tết.
Ông Nguyễn Văn Hiến (58 tuổi) cho biết, năm nay gia đình ông làm khoảng 1.000 cặp hoa giấy thờ cúng phục vụ dịp tết và nhiều hoa dùng để trang trí khác.
“Nghề làm hoa giấy khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Để có cành hoa giấy với năm màu vàng, đỏ, lục, hồng, xanh, bắt đầu từ tháng 10 người thợ đã chuẩn bị tre và phơi khô, nhuộm màu giấy. Mỗi cành hoa ra đời đều đòi hỏi sự chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận” - ông Hiến kể.
Ông Nguyễn Hóa (61 tuổi) - người có hơn 40 năm theo nghề làm hoa giấy cho biết, trước năm 2000, nghề hoa giấy có nguy cơ chững lại do sự phát triển mạnh mẽ của hoa nhựa. Tuy nhiên, từ năm 2000 trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Festival Huế và Festival làng nghề truyền thống nên hoa giấy được nhiều người biết đến.
Theo ông Hóa, điều đáng mừng là nhiều năm nay “hoa giấy đã bừng dậy”, đặc biệt làng làm hoa giấy còn được nhiều khách tham quan ghé thăm. Nhờ vậy, hoa giấy “tỏa hương thơm” đi nhiều nơi, ngoài ở Huế thì nhiều nơi khác người dân cũng tìm đặt mua.
Ngoài làm những loại hoa giấy quen thuộc như lan, hồng, cúc… từ năm 2008 nghệ nhân Thân Văn Huy đã bắt tay vào việc khôi phục hoa sen giấy bị thất truyền hơn 60 năm qua.
Với hoa sen giấy, mỗi ngày, một người thợ lành nghề có thể làm ra khoảng 15-20 hoa. Nếu như hoa giấy thường có tính thời vụ, chỉ bán chạy vào dịp lễ, tết thì hoa sen giấy được làm quanh năm và càng được tiêu thụ nhiều hơn vào dịp tết.
Theo người làng Thanh Tiên, nghề truyền thống này đã có cách đây hơn 300 năm. Tục xưa, hoa giấy được trang trí ở những nơi trang trọng như: Trang Bà, Trang Ông, am cảnh và ông Táo. Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh, thành lân cận cũng như những nơi có người Huế sinh sống mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Và để gìn giữ nghề truyền thống này, vào năm 2010 nghệ nhân Thân Văn Huy mở lớp đào tạo nghề cho khoảng 25 học viên. Trong số này, hiện 10 người đã có công việc ổn định. Với sự sáng tạo của người trẻ, nhiều mẫu mã hoa giấy mới được ra đời, làm tăng thêm sự đa dạng của hoa giấy ở vùng đất này.
Hằng ngày nhiều du khách trong và ngoài nước đến làng Thanh Tiên có thể trực tiếp trải nghiệm cảm giác tự tay làm ra những bông hoa giấy.
“Họ tìm đến mình để tham quan, trải nghiệm, do vậy mình có cách ứng xử tương ứng để khách hài lòng, để những giá trị văn hóa của Việt Nam được lan tỏa, nhất là hoa sen - loài hoa được bầu chọn là quốc hoa” - nghệ nhân Thân Văn Huy tâm sự.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doc-dao-lang-nghe-hoa-giay-thanh-tien-5708080.html