Độc đáo lễ đốt Đình Liệu, rước lửa đón năm mới
Đêm giao thừa, người dân thôn Động Bồng sẽ tập trung tại đình làng, chờ các cụ cao niên làm lễ để đốt Đình Liệu, rồi châm những bó đuốc mang theo lấy lửa để rước điều may mắn về nhà, cầu mong cho một năm mới đủ đầy, ấm no hạnh phúc.
Làng Động Bồng nằm ở phía tây xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, có diện tích 220 ha, 232 hộ dân với 789 nhân khẩu. Cũng như nhiều vùng thôn quê khác, đình làng là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa của người dân, nhưng đình Động Bồng còn ghi dấu ấn đặc biệt với tục lệ đốt Đình Liệu vào đêm giao thừa.
Chị Bùi Thị Thanh Tâm, công chức văn hóa xã Hà Tiến cho hay, đình làng Động Bồng được xây dựng vào hồi Vua Gia Long thứ 12 (1812), thờ thành hoàng Tô Hiến Thành. Năm 2001 đình được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
“Từ xa xưa với điều kiện sinh sống của người Động Bồng là ở trong hang động, lấy mái đá làm nhà, địa bàn cư trú là vùng chiêm trũng quanh năm ngập nước, đi đâu cũng cần phải có lửa, bởi vậy hơn bất cứ nơi nào khác, lửa không thể thiếu trong cuộc sống của người làng Động Bồng. Phong tục đốt Đình Liệu ở Động Bồng đã được cha ông đời nối đời truyền lại cho con cháu về sau”, chị Tâm cho hay.
Hàng năm, cứ vào tháng Chạp là dân làng cử những thanh niên trai tráng khỏe mạnh, nhanh nhẹn và nghị lực lên các ngọn núi trong vùng như Ba Trạc, Bái Bò, Đầu voi… những nơi có nhiều cây đóm - loại cây dùng làm nguyên liệu để đốt Đình Liệu chặt lấy đem về. Khi mang về tới đình làng, đóm được dỡ ra, phơi khô hẳn mới thu lại một nơi để chuẩn bị cho việc kết, bó, tạo dáng Đình Liệu - một con rồng lớn.
Vào ngày 25 tháng Chạp, thôn sẽ thông báo các đoàn thể và người dân thôn Động Bồng sắp xếp thời gian tạp trung về đình làng, các cụ cao tuổi sẽ lau dọn, sắp xếp lại đồ thờ; trai làng và Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên cùng bà con tổ chức làm đu, trồng cây nêu, dọn dẹp, chỉnh trang xung quanh khu di tích để chuẩn bị tổ chức cho việc đốt Đình Liệu đón năm mới.
Dưới sự hướng dẫn của các cụ cao tuổi trong làng, những cây đóm đã khô được kết thành một bó lớn có đường kính 65cm, chiều dài khoảng 25m, tạo dáng giống như con rồng rồi đem đặt vào gian chính giữa tòa đại đình. Những đoạn cây làm đòn gánh để gánh đóm từ trên núi về được đặt theo hàng ngang đều đặn từ trong ra ngoài, sau đó đặt Đình Liệu lên trên để không bị ẩm. Sau khi rồng được hoàn thiện, các cụ cao niên trong làng sẽ cử người thay phiên nhau trông coi, không cho bất kể ai được đến gần Đình Liệu.
Đến chiều 30 Tết, Chi hội Người cao tuổi, tổ tế lễ và trai làng sẽ cùng nhau dùng những chiếc đòn kê đều tay, chuyển Đình Liệu từ trong đình ra giữa sân đình và dùng đòn kê dựng đứng neo lại hướng cho đầu rồng lên cao rồi hạ thấp dần về phía sau, đợi thời khắc giao thừa.
Đêm 30 Tết, người dân thôn Động Bồng sẽ tập trung tại đình làng, tham gia tọa đàm gặp mặt con em đi làm ăn xa về đón Tết, hoặc vui chơi văn nghệ… Đến khoảng 22 giờ, đoàn rước của thôn sẽ rước lửa từ đền Hạ về đình Động Bồng, chuẩn bị cho lễ đốt Đình Liệu.
Trước thời khắc giao thừa, các cụ cao tuổi trong thôn sẽ làm lễ xin lửa để đúng giao thừa tổ chức đốt Đình Liệu, cầu mong cho dân làng đón một năm mới đủ đầy, ấm no hạnh phúc, mùa màng bội thu.
“Sau khi Đình Liệu được đốt, mọi người dân trong làng sẽ châm những bó đuốc được chuẩn bị sẵn mang theo, lấy lửa để rước điều may mắn về nhà của mình. Lửa mang về được người dân làng Động Bồng trân trọng thắp hương để cáo tế với thổ công, gia tiên và sau đó nhóm bếp làm đồ cúng đầu năm và giữ lửa trong suốt những ngày Tết. Từ ngọn lửa ở sân đình được bà con mang về các gia đình, đêm giao thừa cả làng Động Bồng như một ngày hội hoa đăng”, chị Tâm cho hay.
Đốt Đình Liệu được xem là tín ngưỡng thờ thần mặt trời, cầu ánh sáng của cư dân trồng lúa nước, mong có đủ ánh nắng giúp cho cây cối tốt tươi, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Lễ tục này cũng hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, gắn bó các thành viên trong cộng đồng làng xã để cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, tươi vui và hạnh phúc…
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doc-dao-le-dot-dinh-lieu-ruoc-lua-don-nam-moi-166043.html