Đả cầu, cướp phết là lễ hội truyền thống có nguồn gốc từ rất lâu đời. Tương truyền, đời vua Hùng Vương thứ 3, đất nước gặp loạn lạc, giặc giã nổi lên ở nhiều nơi. Nhà vua bèn phái 4 vị tướng lĩnh gồm: Đệ nhất Xá Sơn, Đệ nhị Lê Sơn, Đệ tam Tròn Sơn và Đệ tứ Xui Sơn về trấn nhậm các miền Đông Lai, Bàn Giản, Lập Thạch để điều binh, trấn giặc, hộ quốc, phù dân…
Nhận lệnh vua, các vị tướng này đã lập nhiều chiến công, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời xây dựng phát triển đất nước. Để ngăn chặn họa xâm lăng, các vị tướng đã tổ chức trò chơi rèn luyện sức khỏe và sự khéo léo cho quân lính bằng cách đẽo gọt một quả cầu gỗ tròn nhẵn tựa quả bưởi lớn (gọi là quả phết), bôi dầu mỡ cho trơn rồi lăn ra giữa bãi đất trống rộng và cho quân lính tranh cướp, ai giành được quả phết đem về đặt nơi quy ước sẽ được trọng thưởng.
Để tưởng nhớ công lao các tướng lĩnh, người dân Bàn Giản từ xưa đã lập ra 5 ngôi đình gồm: Đình Cả làm nơi sinh hoạt cộng đồng, và 4 ngôi đình khác thờ 4 vị tướng ở 4 làng gồm: Đông Lai, Trụ Thạch, Ngọc Xuân, Vườn Rào và khắc 4 quả phết, mỗi đình được giữ một quả. Riêng đình Vườn Rào trải qua thời gian đã bị đổ nát, thánh (bài vị) hiện được rước về ngự tại đình Đông Lai.
Theo quan niệm dân gian, quả phết tượng trưng cho trận đánh, làng nào cướp được phết sẽ giành thắng lợi. Ai chạm được vào quả phết sẽ gặp may mắn cả năm.
Phết được các bô lão kiểm tra trước khi diễn ra lễ hội.
Các thanh niên tranh giành quả Phết với hy vọng mang lại may mắn cho cả năm.
Dòng người chen chúc tại lễ hội cướp phết Bàn Giản 2025.
Không chỉ có người dân trên địa bàn xã tham gia cướp phết mà còn có đông đảo du khách hiếu kì chung vui.
Đăng Minh