Lễ hội Minh Thề có lịch sử hơn 500 năm, diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm tại Đền - Chùa thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Năm nay, hội Minh Thề được khôi phục trở lại sau ba năm tạm hoãn vì dịch COVID-19, thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự.
Ông Phạm Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) khẳng định: Giá trị, tư tưởng đặc sắc của Lễ hội Minh Thề nhằm định hướng, giáo dục mọi người, từ chức sắc đến nhân dân tích cực làm việc thiện, không làm điều ác, không tham nhũng, lấy của công làm của tư…
Các vị bô lão, chức sắc, cao niên trong làng làm lễ tế trong đền thờ, sau đó là lễ rước trước đài thờ trong tiếng nhạc bát âm trang nghiêm.
Theo các bậc cao niên, hội Minh Thề có từ thời nhà Mạc, thế kỷ XVI, do Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản (vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung), người có công lập ấp Lan Niểu (nay là làng Hòa Liễu) khởi xướng.
Trưởng thôn Hòa Liễu làm chủ lễ, nâng cao dao lễ làm động tác “chỉ trời vạch đất” rồi vẽ một vòng tròn lớn giữa sân miếu; sau đó, cắm con dao ở vị trí giữa vòng tròn.
Đại diện tư văn đọc hịch văn Minh thề: “Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ; Ngược lại, người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử.... làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt! Y như lời thề”.
Sau khi đại diện tư văn đọc Minh thề, các bô lão, chức sắc tham gia nghi lễ cùng giơ cao tay hô "Xin thề".
Các nghi lễ của người chủ tế thể hiện quyết tâm không tư lợi như lời thề, trước sự chứng kiến của dân làng và quan khách.
Lễ hội Minh Thề không chỉ mang những giá trị nổi bật sâu sắc và độc đáo về lịch sử, văn hóa, giáo dục, mà còn mang tính thời sự về xây dựng trật tự, kỷ cương, tính thượng tôn pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí.../.
Thanh Nga/VOV-Đông Bắc