Độc đáo Lễ hội vật cầu bùn làng Vân, Bắc Giang

Lần đầu tiên được chứng kiến lễ hội vật cầu bùn làng Vân, Việt Yên, Bắc Giang không riêng cá nhân tôi mà rất nhiều người chứng kiến lễ hội cho biết họ cũng cảm thấy vô cùng thú vị và bất ngờ bởi ngoài những cảm xúc mà các quan cầu trên sân mang lại cho khán giả, còn là câu chuyện vô cùng độc đáo của lễ hội này có từ lâu đời gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người dân nơi đây từ bao đời nay.

Làm lễ

Làm lễ

Trong ba ngày từ 12-14/5 (ngày 12 - 14/4 âm lịch), Lễ hội vật cầu nước làng Vân diễn ra tại sân Đền thờ Đức Thánh Tam Giang, thôn Yên Viên, xã Vân Hà, với những trận cầu vô cùng sôi nổi, gay cấn và hấp dẫn ngay sau Lễ công bố Quyết định Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội truyền thống vật cầu nước làng Vân.

Các cụ già trong làng tự hào kể rằng, Lễ hội vật cầu bùn tại làng Vân có tính “độc bản” mang đậm nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước định canh. Quả cầu tròn là dương (tượng trưng cho mặt trời), còn lỗ cầu tượng trưng cho âm, âm dương hòa hợp là mọi người làm ăn phát đạt, vạn sự bình yên và đó cũng là mong muốn của cộng đồng, mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội mang đậm nét truyền thống

Lễ hội mang đậm nét truyền thống

Lễ hội vật cầu diễn ra tại sân Đền rộng hơn 200 mét vuông được đổ đầy đất bùn. Nước đổ vào sân là nước sông Cầu do các cô gái mặc đồ truyền thống của làng quê Bắc Bộ gánh nước từ sông lên bằng quang gánh cổ truyền. Nước được đựng trong chum sành của làng Thổ Hà, loại chum dùng để cất rượu. Hai đầu sân có hai lỗ sâu gần 1 mét, rộng hơn nửa mét. Đội nào ôm cầu đẩy được xuống lỗ cầu của đối phương là đội giành chiến thắng. Quả cầu được làm bằng gỗ, nặng khoảng 20 kg.

Đội cầu gồm 16 quân cầu là những thanh niên trai tráng được tinh tuyển từ 5 xóm, có vẻ ngoài ưu tú, sức khỏe tốt, chia làm hai giáp đấu là giáp Trên và giáp Dưới. Các quân cầu sẽ phải giữ mình chay tịnh, kiêng chuyện yêu đương trong một vài tuần theo quy định của dân làng trước khi hội vật cầu được mở. Và họ được huấn luyện kỹ càng từ việc hành lễ trước Đức Thánh đến việc thi đấu. Đối với trai làng, được tuyển chọn vào Đội cầu là vinh dự thiêng liêng không phải ai cũng có được.

Tranh cầu

Tranh cầu

Trước khi vào trận, các quân cầu được đưa ra sân hội, ai cũng cởi trần đóng khố, xếp thành hàng dọc đứng, quay mặt vào Đền lễ Thánh. Lễ xong, quân cầu lên sân Đền uống rượu trận. Họ ngồi xếp bằng theo hàng, hai bên quay mặt vào nhau, cỗ trận để ở giữa, gồm các loại hoa quả và rượu làng Vân, thứ rượu ngon nức tiếng của vùng đất này.

Tiếp đó, các quân cầu của hai giáp xếp hàng đôi, đối diện nhau, mỗi đội cử ra một cặp đấu vật với nhau, đội nào thắng sẽ được giao cầu trước. Đội nào đưa được quả cầu vào lỗ của đội đối phương nhiều hơn thì đội đó dành chiến thắng. Khi các trận đấu kết thúc, họ tắm rửa sạch sẽ và làm lễ tạ thần trước sân đình.

Cướp cầu

Cướp cầu

Có điều đặc biệt là mặc dù lễ hội vật cầu bùn được tổ chức 4 năm một lần, rất công phu và mang nhiều ý nghĩa, các quan cầu là những đại diện xuấc sắc của làng mình nhưng các trận đấu chỉ có giải thưởng về mặt tinh thần, chứ không có thưởng về vật chất nhưng vẫn tồn tại suốt nhiều năm nay và là một trong những lễ hội mà người dân vô cùng trân quý và tự hào. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, Lễ hội vật cầu nước làng Vân được các nhà nghiên cứu đánh giá là độc đáo, khác lạ. Ngoài yếu tố tâm linh, tôn vinh chiến thắng của Đức Thánh Tam Giang trước bọn quỷ đen thì Lễ hội vật cầu nước làng Vân còn gắn với tín ngưỡng thờ thần mặt trời, biểu tượng thiêng liêng của văn minh lúa nước. Giành được cầu là giành được năng lượng mặt trời, giành được vận may về cho dân làng, để cho lúa khoai tươi tốt, cho mùa màng bội thu, cho dân an vật thịnh. Đó là sự thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp xưa vào cảnh mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Chính vì lẽ đó nên dân chúng đến xem rất đông, đủ mọi độ tuổi. Họ hò hét cổ vũ hết mình cho đội làng mình và không ngại bị bùn sình dính bẩn mà ngược lại, ai cũng muốn được ngồi sát sân đấu để được các quan cầu vấy bẩn bùn lên người mình càng nhiều thì sẽ càng nhận được nhiều may mắn. Vì vậy mà khi đội mình chiến thắng, dân làng tràn xuống sân bùn trét đầy bùn lên nhau để ăn mừng.

Năm nay, lễ hội được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên người dân trong làng càng tỏ ra rất vui mừng phấn khởi. Các trận đấu vì vậy diễn ra vô cùng sôi nổi và đẹp mắt với sự cổ vũ vô cùng nồng nhiệt của người dân trong vùng cùng với sự tham dự của rất đông du khách đến từ trong và ngoài nước.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/dulich/202205/doc-dao-le-hoi-vat-cau-bun-lang-van-bac-giang-3116853/