Độc đáo mô hình đào tạo kép
Vài năm gần đây, làn sóng bạn trẻ Việt Nam sang CHLB Đức học nghề gia tăng sau khi chính phủ nước này có những chính sách mở cửa chào đón người học nhằm bù đắp sự thiếu hụt lao động. Điều đặc biệt của chương trình đào tạo kép này là người học được trả lương trong suốt quá trình học tập
Nếu như ở Việt Nam, hình thức đào tạo kép còn khá xa lạ nhưng tại CHLB Đức, mô hình này đã có từ lâu đời và rất phát triển. Mô hình này được cả thế giới đánh giá cao, bằng cấp được Đức cấp cho học viên tham gia mô hình đào tạo này được cả thế giới công nhận. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mô hình đào tạo kép là chìa khóa thành công của nền kinh tế Đức.
Học đi đôi với hành
Trong hệ thống đào tạo kép, người học sẽ có 40% thời gian học lý thuyết tại trường nghề và 60% thời gian học thực hành tại doanh nghiệp (DN). Chính vì người học được đào tạo 2 nơi như thế nên mô hình đào tạo này được gọi là đào tạo kép. Khi người học tham gia chương trình này, họ được đào tạo 2.100 tiết lý thuyết tại trường dạy nghề và khoảng gần 3.000 tiết thực hành nghề tại các DN đang hoạt động trong ngành nghề mà người học theo học.
Chương trình này mang đến cho người học nhiều cơ hội để có thể học việc và từ đó thu thập kinh nghiệm làm việc. Chương trình này thường kéo dài từ 2 đến 3 năm rưỡi và bao gồm 2 quá trình: Một là, người học sẽ dành ra 1 đến 2 ngày/tuần hoặc vài tuần liên tục để đi học ở trường nghề. Tại đây, người học sẽ được truyền đạt những kiến thức gắn với công việc sau này. Hai là, người học vận dụng những hiểu biết vào thực tế qua việc vận hành máy móc tại DN, từ đó xem bản thân mình có thể phù hợp với công việc hay không. Ở CHLB Đức, DN khi có nhu cầu mở rộng về nhân lực sẽ lập kế hoạch và lên chương trình tuyển sinh. Nếu DN đó có cơ sở dạy lý thuyết thì sinh viên vừa học lý thuyết kết hợp với thực hành ngay tại DN. Ngược lại, DN sẽ kết hợp với một trường nghề để hợp tác. Các trường nghề cũng tìm đến các DN để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho DN và sẵn sàng đào tạo theo nhu cầu của DN.
Kỹ sư Gabor Nagy, Chủ tịch Công ty Killenberg Bau GmbH (TP Erfurt), cho biết công ty ông chuyên về xây dựng cầu đường nên nhu cầu nhân lực gần như liên tục. Đó là lý do ông hợp tác với Trường Bildungswerk Bau (BiW), một trường chuyên dạy nghề xây dựng để chủ động cho nguồn nhân lực của DN mình. Gabor khẳng định tuy lao động ngành xây dựng toàn nước Đức đang thiếu trầm trọng nhưng DN của ông vẫn phát triển ổn định nhờ mô hình đào tạo kép phối hợp cùng Trường BiW. "Giờ đây, DN chúng tôi hoàn toàn chủ động nguồn lao động ngắn hạn, đó là những học viên đang học nghề xây dựng tại DN và Trường BiW. Trong tương lai gần, họ sẽ là nhân viên chính thức của DN và chúng tôi hoàn toàn yên tâm về kỹ năng nghề nghiệp của họ. Chẳng có gì tuyệt vời hơn khi bạn biết được 5 năm, 10 năm nữa ai sẽ là những nhân sự đắc lực của mình bởi họ đang ở đây với chúng tôi hằng tuần" - ông Gabor bày tỏ.
Học nghề nhưng được trả lương
Khi người học hoàn thành khóa đạo tạo kép, hàng loạt những triển vọng nghề nghiệp cũng sẽ rộng mở. Nội dung của chương trình đào tạo nghề ở Đức rất đa dạng bởi đó là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành ngay từ những ngày đầu. Người học sẽ được nhận một công việc thực tập liên quan đến ngành nghề của mình tại một DN trong khi vẫn đến trường nghề học 1 đến 2 buổi/tuần. Trường nghề sẽ cung cấp cho người học nền tảng kiến thức để phục vụ cho việc thao tác trong công việc tại DN. Sự kết hợp này sẽ tạo cho người học một sự chuẩn bị tốt cho công việc mai sau.
Hiện nay, nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân sự phục vụ sản xuất, kinh doanh tại CHLB Đức là rất lớn. Vì thế, đây là cơ hội cho các bạn trẻ khi tham gia vào các chương trình du học nghề tại Đức. Điều đặc biệt của chương trình đào tạo kép này là người học được trả lương trong suốt quá trình học tập. Người học có thu nhập ngay khi bắt đầu chương trình đào tạo nghề ở Đức. Học nghề ở Đức cũng có thể là tấm vé cho bạn đi đến thành công trong sự nghiệp tại thị trường lao động của nước này. Phần lớn học viên tham gia học nghề tại Đức đều được nhận vào làm việc lâu dài tại chính DN mà họ thực tập sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề.
Sau khóa đào tạo kép, người học đã trở thành người lao động có tay nghề, có thu nhập cao và có rất nhiều lợi thế vì trước đó đã được làm quen và tìm hiểu kỹ về DN, cách thức vận hành cũng như đồng nghiệp tại nơi làm việc.
Ông Nguyễn Du, Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á (IET), cho rằng du học nghề sang CHLB Đức là một chương trình khá hấp dẫn đang được các bạn trẻ Việt Nam đặc biệt quan tâm trong vài năm trở lại đây. Để đặt chân sang CHLB Đức và bước vào trường học nghề theo mô hình đào tạo kép, các em chỉ cần tốt nghiệp THPT, học và thi lấy chứng chỉ B2 tiếng Đức, đồng thời học kiến thức nền ngành nghề mà mình chọn học. "Nước Đức có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có kỹ năng, tập trung ở các ngành điều dưỡng, nhà hàng - khách sạn, xây dựng, cơ khí, ôtô... Do vậy, chọn du học nghề sang CHLB Đức là một hướng đi phù hợp cho các bạn trẻ" - ông Du nói thêm.
Thiếu hụt nhân lực
Theo số liệu năm 2018 của Viện Nghiên cứu đào tạo nghề CHLB Đức (BIBB), khoảng 52% dân số Đức trong độ tuổi 16 đến 24 tham gia hệ thống đào tạo nghề kép. Tuy nhiên, với một nước có nền công nghiệp phát triển, khoa học kỹ thuật hiện đại, ngành dịch vụ đạt đến đỉnh cao như CHLB Đức thì con số này chưa đủ đáp ứng nhân lực tại chỗ. Số liệu của Viện Kinh tế Đức (IW) cho thấy có khoảng 1,2 triệu việc làm chưa tuyển dụng được ở khắp nền kinh tế nước này. Trong số này, có khoảng 440.000 vị trí không thể đáp ứng bởi người lao động bản địa.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/doc-dao-mo-hinh-dao-tao-kep-20191209213150569.htm