Độc đáo môn võ Việt ra đời tại Bỉ, kết tinh văn hóa truyền thống quê hương
Thủy Pháp là môn võ độc đáo lấy cảm hứng từ nước, do võ sư Huỳnh Chiêu Dương sáng lập tại Bỉ. Ngày càng có nhiều người Bỉ theo học bộ môn này, từ đó hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.

Các võ sư người Bỉ trình diễn Thủy Pháp tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: FB)
Trên nền nhạc “Làng tôi,” “Một vòng Việt Nam” và “Bắc Bling,” anh Jean-Philippe Crevecoeur (người Bỉ) cùng các đồng môn của mình biểu diễn những bài quyền uyển chuyển như nước của võ Thủy Pháp – môn võ độc đáo mang tinh thần Việt, do võ sư người Việt sáng lập trên đất Bỉ.
Màn biểu diễn của họ tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và Hồ Văn (Văn Miếu-Quốc Tử Giám) khiến đông đảo khán giả trầm trồ. Đây là hoạt động văn hóa nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ đến Việt Nam.
Độc đáo môn võ Việt ra đời trên đất Bỉ
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, anh Jean-Philippe cho hay anh đã tập luyện bộ môn này 20 năm. Không chỉ rèn luyện sức khỏe, môn võ này còn giúp anh cân bằng tâm trí và ngộ ra những triết lý sống sâu sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.
“Thủy Pháp là một trường phái võ thuật lấy cảm hứng từ nước, kết hợp sự mềm mại và uyển chuyển trong từng chuyển động do võ sư Huỳnh Chiêu Dương sáng lập tại Brussels, Bỉ vào năm 2002. Đến năm 2004 thì tôi có duyên gặp gỡ thầy Huỳnh Chiêu Dương và bắt đầu tập luyện,” anh Jean-Philippe nói.

Anh Jean-Philippe trình diễn Thủy Pháp tại Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Vì có thể trạng ốm yếu từ nhỏ nên ông Huỳnh Chiêu Dương đã tìm học những bài võ mang tính nhu – mềm mại, uyển chuyển của võ cổ truyền Việt Nam với mong muốn cải thiện và rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai cho bản thân. Nhận thấy sự hiệu quả mà những bài võ mang lại, người võ sinh quê gốc Bình Dương đã tích cực sưu tầm, lĩnh hội từ nhiều sư phụ ở mọi nơi khác nhau rồi đúc kết, hệ thống lại thành giáo trình bài bản.
Khi sang Bỉ làm việc vào năm 2000, những người bạn làm trong ngành y ở đây đã tham khảo những bài võ của võ sư Huỳnh Chiêu Dương và nhận thấy có thể áp dụng trên phương diện vật lý trị liệu, rèn luyện sức khỏe nên khuyến khích ông mở lớp dạy. Năm 2002, võ sư Huỳnh Chiêu Dương chính thức sáng lập môn phái Thủy Pháp tại thủ đô Bruxelles – Bỉ và bắt đầu thu nhận môn sinh đến học.
Chia sẻ về cái tên Thủy Pháp, võ sư Huỳnh Chiêu Dương cho biết: "Thủy là nước. Không có gì mềm mại, nhẹ nhàng nhưng dữ dội bằng nước. Thủy pháp là môn võ Việt Nam kết tinh tất cả các đặc tính, ưu điểm ấy của nước."

Võ sư Huỳnh Chiêu Dương giới thiệu về Thủy Pháp tại Bỉ. (Ảnh: NVCC)
Các bài võ của Thủy Pháp được thể hiện bề ngoài mềm mại, uyển chuyển nhẹ nhàng như nước chảy, có lúc tựa như vô hình, có lúc tựa như mây trôi, cứ thế tiếp diễn hết động tác này tới đường quyền khác. Những bài quyền này rất thích hợp cho người cao tuổi luyện tập, vừa nhằm rèn luyện sự dẻo dai vừa nâng cao sức khỏe.
Võ sư Huỳnh Chiêu Dương chia sẻ: “Với tiêu chí rèn luyện sức khỏe, dưỡng sinh và phòng thân, Thủy Pháp chú trọng hướng đến các bài võ thuần nhu như dòng nước, khóa đối thủ và quyện theo đối thủ, chỉ cần đẩy lui đối thủ hoặc ra khỏi vòng tròn an toàn của mình, dựa trên tinh thần không làm tổn thương đối phương mà bảo vệ cơ thể mình một cách chính đáng, thận trọng, dung hòa.”
Ngoài ra, Thủy Pháp còn gìn giữ rất nhiều bài binh khí, là những khí cụ đặc trưng của người dân Việt Nam như: Roi, côn, đao, kiếm, quạt… thông qua những phương pháp rèn luyện vô cùng nhẹ nhàng, uyển chuyển rất đặc trưng của môn phái.




Các võ sư Bỉ trình diễn Thủy Pháp tại Hà Nội. (Ảnh: FB)
Bên cạnh đó, Thủy Pháp cũng trau dồi những bài võ mang tính chất đối kháng, cương mãnh nhưng cũng dựa trên đặc tính dữ dội, tuôn trào của sức nước. Các bài song đấu của Thủy Pháp cũng dựa vào sức nước mà đưa đẩy nhau, nương theo lực đối phương quyện chặt lại làm đối thủ không thể tấn công, nhưng khác với Hiệp Khí đạo ở chỗ Thủy Pháp không đưa đối phương xuống đất mà chỉ đẩy ra xa để luôn giữ được thế chủ động.
Võ Việt ‘tìm đường’ về quê hương
Hiện nay, nhiều trường trung học, đại học tại Bỉ đã đưa Thủy Pháp vào giảng dạy trong giờ chính khóa. Môn võ Việt Nam đầu tiên nằm trong chương trình học thể thao ở một nước phương Tây, ngang hàng với Judo, Karatedo, Taekwondo. Nếu như võ dưỡng sinh thu hút đông người cao tuổi thì Thủy Pháp lại dành cho mọi lứa tuổi, tầng lớp.
Trong số các môn sinh của võ sư Huỳnh Chiêu Dương sang Việt Nam lần này có bà Veronique Guichard. Bà thích học võ từ khi còn trẻ và đã tập Karatedo và Aikido cùng các con. Sau nhiều lần ngã trên sàn tập, bà bị thương ở vai nên việc tập luyện phải ngừng lại. Một lần, bà tình cờ thấy các võ sư Thủy Pháp trình diễn, bà nhận ra đây là môn võ phù hợp với mình.
“Do chấn thương nên tôi cần tìm bộ môn nào đó mềm mại, nhẹ nhàng, nhưng tôi vẫn thích sự sôi nổi, linh hoạt chứ không quá chậm như Thái cực quyền. Vì vậy, Thủy Pháp là môn võ lý tưởng đối với tôi,” bà Veronique Guichard nói.

Bà Veronique Guichard (bìa phải) cùng các đồng môn và võ sư Huỳnh Chiêu Dương (thứ ba từ phải sang). (Ảnh: FB)
Bày tỏ tình yêu với Thủy Pháp, bà Veronique cho hay các bài võ như Linh Quy Kiếm, Hồng Hà Ảo Ảnh Quyền, Cửu Long Phù Sa Quyền, Tô Lịch Kiếm... đã đưa khán giả vào những câu chuyện giàu chất thơ, đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
“Khi sang Việt Nam, người nước ngoài sẽ thấy giao thông phức tạp, xe cộ đi lại tấp nập tưởng chừng có thể va chạm vào nhau nhưng điều đó không xảy ra, cũng giống như dòng nước uyển chuyển, linh hoạt luôn tìm được hướng đi cho mình,” bà Veronique nói.
Cùng quan điểm đó, anh Jean-Philippe cho hay Võ sư Huỳnh Chiêu Dương đặt tên cho các bài quyền hay bộ pháp theo các điển tích trong lịch sử Việt Nam. Như bài Linh Quy Kiếm gợi nhớ đến điển tích vua Lê Lợi trả gươm báu cho rùa thần sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Nhờ tập luyện bộ môn này mà anh Jean-Philippe hiểu hơn về văn hóa Việt cũng như tìm ra cho mình những triết lý sống sâu sắc.

Các môn sinh tập luyện Thủy Pháp tại Bỉ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
“Tôi tâm đắc với bài Nguyệt Tương Côn, nói về một người muốn sở hữu Mặt Trăng cho riêng mình, anh ta đánh côn xuống mặt nước, bóng trăng vỡ ra thành nhiều mảnh nhưng anh ta vẫn chẳng thể nào lấy được. Bài côn này ngụ ý rằng trong cuộc sống không nên tham lam, không nên đi tìm những thứ không thuộc về mình,” anh Jean-Philippe chia sẻ.
Thủy Pháp ẩn chứa nhiều lợi ích và ý nghĩa như vậy nhưng đáng tiếc là mới chỉ được phổ biến tại Bỉ mà lại xa lạ trên chính quê hương Việt Nam.
Võ sư Huỳnh Chiêu Dương cho hay ông đã có một số dịp giới thiệu môn võ này nhưng vẫn chưa có điều kiện mở lớp tại Việt Nam vì thiếu nguồn lực hỗ trợ và thiếu cả võ sư giảng dạy.
“Thông qua môn võ này, người Bỉ nhìn người Việt Nam với cặp mắt đầy thiện cảm, bởi sự ôn nhu, hiền hòa và nền văn hóa độc đáo, phong phú thể hiện thông qua Thủy Pháp. Tôi rất mong có thể phổ biến môn võ này tại Việt Nam, làm phong phú thêm nền võ thuật truyền thống của nước nhà,” võ sư Huỳnh Chiêu Dương nói.

Chị Đặng Thị Thu Quyên tập luyện Thủy Pháp ngay cả khi đang mang thai ở tháng thứ chín. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Là một người Việt đang sinh sống tại Bỉ và tập luyện Thủy Pháp nhiều năm, chị Đặng Thị Thu Quyên cũng bày tỏ mong muốn Thủy Pháp ngày càng được nhiều người Việt biết đến hơn.
“Dù ra đời trên đất nước Bỉ, Thủy Pháp lại thể hiện trọn vẹn tinh thần võ học Việt Nam, góp phần thắt chặt hơn nữa sự kết nối văn hóa giữa hai quốc gia. Thông qua Thủy Pháp mà nhiều người Bỉ tìm hiểu về văn hóa Việt, thậm chí học tiếng Việt. Tôi thấy thật đáng tiếc khi một môn võ tốt như thế này lại chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam,” chị Quyên nói./.
Phát biểu tại sự kiện giao lưu võ thuật "Hòa nhịp Việt-Bỉ," Bộ trưởng, Thủ hiến vùng Thủ đô Brussels Rudi Vervoort đề cao vai trò của chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ đối với mối quan hệ hai nước đồng thời gửi gắm một thông điệp mang tính truyền cảm hứng: “Thể thao và võ thuật có sức mạnh kết nối con người, vượt qua mọi ranh giới về quốc tịch, xuất thân và niềm tin.”
Ông Rudi Vervoort cho rằng những màn biểu diễn do các võ sinh Việt Nam và Bỉ thực hiện đã minh chứng cho sự hòa hợp giữa sức mạnh và sự mềm mại, đồng thời truyền đạt tinh thần thượng võ cũng như giá trị của sự giao thoa văn hóa xuyên biên giới.
Trình diễn Thủy Pháp tại Hồ Văn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)