Độc đáo nghệ thuật trình diễn dân gian ở Thái Nguyên

Múa Tắc Xình của người Sán Chay và Múa rối cạn của người Tày là hai loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ở Thái Nguyên.

Múa Tắc Xình của người Sán Chay

Múa Tắc Xình là một điệu múa dân gian mang đậm tính tâm linh, gắn liền với đời sống của cộng đồng người Sán Chay tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Điệu múa này không thể thiếu trong lễ hội Cầu mùa, thể hiện sự biết ơn đối với trời đất và thần linh đã ban cho mùa màng bội thu, đồng thời cầu mong sự che chở cho vụ mùa tiếp theo.

Điểm độc đáo của nghệ thuật múa Tắc Xình nằm ở việc tái hiện 9 động tác mô phỏng các hoạt động lao động sản xuất quen thuộc của người Sán Chay, từ chuẩn bị đất đai đến thu hoạch và ăn mừng mùa màng. Dù động tác và âm nhạc đơn giản, dễ thực hiện, nhưng người tham gia phải là nam giới, với thầy cúng hoặc người có kinh nghiệm đóng vai trò chủ lễ.

Âm nhạc của múa Tắc Xình vô cùng đặc trưng, được tạo nên từ các nhạc cụ thô sơ như trống đất (náy cau), trống lớn, trống nhỏ, trống nứa (náy trooc), chuông, chiêng, chập xeng (sắm sẹ), kèn tổ sâu, kèn pó lè, đặc biệt là bộ gõ từ ống tre và que tre để tạo thành nhịp điệu “tắc - xình”, thôi thúc người múa thể hiện các động tác khỏe khoắn, nhịp nhàng.

Múa Tắc Xình không chỉ là một nghi lễ nông nghiệp mà còn phản ánh cấu trúc xã hội phụ hệ của người Sán Chay. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, điệu múa này đã được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Múa rối cạn của người Tày

Nghệ thuật múa rối cạn độc đáo của người Tày ở xóm Thẩm Rộc (xã Bình Yên) và xóm Ru Nghệ (xã Đồng Thịnh), huyện Định Hóa, Thái Nguyên là một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, được sáng tạo và lưu giữ qua 14 đời bởi dòng họ Ma Quang, với lịch sử hơn hai thế kỷ. Ban đầu chỉ có 6 ông rối tượng trưng, qua thời gian đã phát triển thành 48 ông rối, được chế tác tỉ mỉ từ gỗ thừng mực.

Múa rối cạn thường được trình diễn vào dịp đầu năm mới với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Điểm đặc sắc của múa rối cạn Thẩm Rộc, Ru Nghệ nằm ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đôi tay khéo léo của người điều khiển với những con rối gỗ được chế tác tỉ mỉ, cùng âm thanh của sáo, đàn tính và những làn điệu then trữ tình. Những tích trò quen thuộc về cuộc sống lao động sản xuất hằng ngày được tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn. Không chỉ mang giá trị giải trí, múa rối cạn Thẩm Rộc còn ẩn chứa những thông điệp sâu sắc về đạo lý làm người, tinh thần đoàn kết, yêu lao động và ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Với những giá trị độc đáo và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, năm 2015, nghệ thuật múa rối cạn của người Tày ở Thẩm Rộc và Ru Nghệ đã được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hương Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doc-dao-nghe-thuat-trinh-dien-dan-gian-o-thai-nguyen-698799.html