Thăm Smolensk – 'Quảng Trị' của nước Nga

Smolensk là một trong những thành phố cổ nhất ở nước Nga cổ. Trong suốt lịch sử 11 thế kỷ của mình, Smolensk chưa bao giờ thay đổi tên gọi.

Bức tường tưởng niệm in chân dung những người đã hy sinh để bảo vệ Smolensk.

Bức tường tưởng niệm in chân dung những người đã hy sinh để bảo vệ Smolensk.

Nếu như đa số các thành phố thường có mang tên dòng sông hoặc hồ nước lớn thì Smolensk lại xuất phát từ tên nghề truyền thống - nghề lấy nhựa cây. Vì vị trí địa lý nằm ở trục đường giao thông thuận lợi và duy nhất từ Đông sang Tây mà Smolensk thường được gọi là thành phố-chìa khóa, thành phố-lá chắn của nước Nga, gắn với lịch sử bảo vệ Tổ quốc dũng cảm song vì thế mà cũng phải chịu những thiệt hại và tàn phá nặng nề nhất trong cả đất nước Nga rộng lớn. Trong hơn hai năm bị Đức quốc xã chiếm đóng 1941-1943, tỉnh Smolensk đã bị phá hủy tới 93%, 546.000 người dân thường đã bị giết bởi súng đạn quân thù.

Chính bức tường thành Smolensk là nơi chôn vùi hy vọng của trùm phát xít Hitler về một cuộc chiến chớp nhoáng thôn tính Liên Xô. Trận Smolensk năm 1941 là trận chiến lớn nhất trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, khởi đầu cho một cuộc phản công quy mô lớn của Hồng quân sang phía Tây, giải phóng châu Âu khỏi Đức Quốc xã.

Tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã chết trong trại tập trung phát tại thành phố Vyazma, tỉnh Smolensk.

Tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã chết trong trại tập trung phát tại thành phố Vyazma, tỉnh Smolensk.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Smolensk Vitaly Vovchenko cho biết, hơn 500 nghìn công dân Liên Xô đã ngã xuống tại tỉnh Smolensk. Toàn tỉnh có 46 trại tập trung quốc xã trong đó có 6 trại tập trung Do Thái. Xét về số lượng thường dân thiệt mạng, Smolensk chỉ đứng sau thành phố Leningrad và tỉnh Leningrad. Hầu như mỗi tấc đất vùng Smolensk đều thấm máu của những người bảo vệ thành phố, của Hồng quân, du kích quân, của nạn nhân trong trại tập trung. Toàn tỉnh đã dựng hơn 1.100 đài tưởng niệm liên quan đến cuộc chiến, đến nạn nhân chiến tranh.

Tượng đài chiến sĩ Vô danh "Ngọn lửa vĩnh cửu" bên tường thành Kremli ở Smolensk.

Tượng đài chiến sĩ Vô danh "Ngọn lửa vĩnh cửu" bên tường thành Kremli ở Smolensk.

Ngọn lửa vĩnh cửu Smolensk được chính Anh hùng Liên Xô Mikhail Egorov, người đã giương cao Lá cờ Chiến thắng trên Tòa nhà Quốc hội Đức năm 1945, châm lên vào ngày 28/9/1968, trong lễ kỷ niệm 25 năm giải phóng Smolensk khỏi Đức Quốc xã. Trên cả Liên Xô chỉ có hai tượng đài ngọn lửa vĩnh cửu đặt bên tường thành Kremlin tại Moskva và Smolensk.

Tượng đài chiến sĩ Vô danh "Ngọn lửa vĩnh cửu" bên tường thành Kremli ở Smolensk.

Tượng đài chiến sĩ Vô danh "Ngọn lửa vĩnh cửu" bên tường thành Kremli ở Smolensk.

80 năm đã qua đi, nhân chứng chiến tranh ngày nay thời đó mới chỉ là các cậu bé cô bé. Họ được gọi là thế hệ “những đứa con chiến tranh”, cùng với những người mẹ người chị, họ đã là lực lượng lao động chính ở hậu phương. Ông Viktor Gamaiunov đã 93 tuổi, vẫn còn nhớ như in câu chuyện về người cha – một chiến sĩ Hồng quân, đã chiến đấu và bị thương ở Ukraine. Dù tuổi cao, song với ông, việc kể lại cho các thế hệ trẻ hồi ức về cha, về Hồng quân, về những ngày chiến tranh gian khổ, là nghĩa vụ và trách nhiệm của một người con đã may mắn được thấy hòa bình trên quê hương mình.

Có lẽ trên thế giới này ít ai chưa từng nghe bài hát được xem như “Chiến tranh Vệ quốc ca” Kachiusa. Kachiusa đã được hát vang trong những năm chiến tranh, trong những ngày Hồng quân tiến công về Berlin để tiêu diệt thành trì của chủ nghĩa phát xít. Tác giả lời của bài hát "Kachiusa" nhà thơ Mikhail Isakovsky giải thích sự ra đời của bài hát như sau: “Chúng tôi dường như đã có linh cảm về chiến tranh, mặc dù chúng tôi không biết chính xác khi nào và ở đâu nó có thể đến”. Linh cảm thành hiện thực khi chỉ 3 năm sau, quê hương của nhà thơ hứng chịu những tiếng súng đầu tiên của cuộc chiến tàn khốc nhất lịch sử nhân loại. Ngày nay người hát Kachiusa tại Smolensk là chắt gái của nhà thơ Darya Mikulych, một tình nguyện viên trong các hoạt động gìn giữ ký ức lịch sử. Niềm tự hào về người kỵ ngoại đã luôn theo Darya trong mỗi dịp tháng Năm về, khi tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại quê hương.

Gia đình chắt ngoại của nhà thơ Isakovsky, tác giả lời bài hát Kachiusa.

Gia đình chắt ngoại của nhà thơ Isakovsky, tác giả lời bài hát Kachiusa.

Smolensk còn là quê hương của nhiều nhà hoạt động khoa học, văn hóa, nghệ thuật v.v. nổi tiếng. Nơi đây gắn liền với tên tuổi nhà soạn nhạc thiên tài Mikhail Glinka, nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Iuri Gagarin, nhà văn Aleksandr Tvardovsky, diễn viên hề Yuri Nikulin v.v. Những người đã vang danh Smolensk vào lịch sử.

Tượng nhạc sĩ thiên tài Glinka tại Smolensk.

Tượng nhạc sĩ thiên tài Glinka tại Smolensk.

Vị trí địa đầu đã tạo cho Smolensk một lịch sử gắn liền với các cuộc chiến, còn người dân – với những truyền thống hy sinh và bất khuất. Vì những đóng góp về người và của trong Chiến tranh Vệ quốc Smolensk được công nhận là thành phố-anh hùng Liên Xô. Trong những ngày tiến dần đến lễ kỷ niệm 80 năm chiến thắng phát xít các hoạt động chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này được tiến hành tại Smolensk từ rất sớm. Thành phố hứa hẹn sẽ đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến đây để tận mắt hiểu vì sao chủ nghĩa phát xít là kẻ thù của nhân loại, là cái ác không thể dung thứ, và vì sao toàn thể mọi người dân nước Nga phẫn nộ trước bất kỳ một dấu hiệu biện minh nào cho nó.

Tâm Hằng (P/v TTXVN tại Nga)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tham-smolensk-quang-tri-cua-nuoc-nga-20250414214550125.htm