Độc đáo nghề vẽ tranh trên kiếng

Tranh trên kiếng là loại hình nghệ thuật dân gian được người dân Nam Bộ ưa chuộng và còn lưu giữ cho đến nay. Đối với đồng bào dân tộc Khmer, tác phẩm được vẽ trên kiếng thường dựa theo cuộc đời Đức Phật, cảnh làng quê, địa danh nổi tiếng hay phong cảnh chùa chiền… Đây chính là sản phẩm của sự cần cù, tỉ mỉ chăm chút trong từng nét vẽ, mang biểu tượng của sự độc đáo, sắc thái văn hóa hội họa của đồng bào Khmer.

Nghệ nhân Triệu Thị Vui, ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đang vẽ tranh trên kiếng. Ảnh: THANH VÀNG

Nghệ nhân Triệu Thị Vui, ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đang vẽ tranh trên kiếng. Ảnh: THANH VÀNG

30 năm gắn bó với nghề vẽ tranh trên kiếng, cô Triệu Thị Vui, ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã trở thành nghệ nhân có danh tiếng trong cộng đồng Khmer về loại hình nghệ thuật dân gian này, nên được nhiều khách hàng ưa chuộng và đến đặt mua, nhất là tỉnh Trà Vinh và An Giang. Cô Vui chia sẻ: “Sau khi lấy chồng về đây, tôi mới biết nghề này. Khi mới học nghề, tôi chỉ biết vẽ những chi tiết đơn giản, sau đó vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, khoảng 5 năm mới thuần thục mọi thứ”.

Được biết, để hoàn thành một tác phẩm trên kiếng phải trải qua nhiều công đoạn, tranh được vẽ trên tấm thủy tinh trong suốt, kích thước từng bức tùy vào chủ tâm của người vẽ và thị hiếu của khách hàng. Trước tiên, người thợ đặt kính lên tấm hình mẫu và trước khi vẽ phải dùng một loại sơn nhám quét lên mặt kiếng nhằm tạo độ bám, sau đó pha nước sơn loãng bằng xăng, dầu hỏa rồi mới vẽ đồ theo hình mẫu… Những công đoạn này đòi hỏi người nghệ nhân phải khéo léo, có tay nghề và mắt thẩm mỹ trong cách phối màu, nét bút phải sắc sảo thì tranh mới có hồn. Khi được hỏi một bức vẽ hoàn thành trong bao lâu, cô Vui nói: “Vì trải qua nhiều công đoạn và phải mất vài ngày mới hoàn thành nên khi vẽ, người thợ sẽ vẽ một loạt tranh, chứ không vẽ hoàn thành riêng từng bức. Trước là vẽ nét đồ theo tranh mẫu, sau đó mới tô màu, nhưng khi vẽ nét nào xong phải đem phơi cho khô nét đó, mới tiếp tục vẽ màu khác lên”. Kỳ công là vậy, để cho ra những bức tranh đẹp, sống động và có hồn, ngoài sự tỉ mỉ, khéo léo và óc thẩm mỹ cao thì người nghệ nhân phải đặt hết tâm huyết và sự đam mê của mình vào trong từng nét vẽ. Cô Vui cho biết thêm, tuy nghề này không cho thu nhập cao, chỉ tầm 4.500.000 đồng/tháng, nhưng vì đam mê và muốn lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu của cộng đồng dân tộc nên cô duy trì và gắn bó cho tới nay.

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, nghề vẽ tranh trên kiếng hầu như không còn bao nhiêu người kế nghiệp vì khó làm. Mặt khác còn cạnh tranh bởi nhiều loại tranh đa dạng khác có giá trị hơn, nên không còn được ưa chuộng nhiều. Thế nhưng với niềm đam mê và không muốn bị mai một, các nghệ nhân vẫn tiếp nối nghề vì trong tâm thức của họ, vẽ tranh trên kiếng không chỉ là một nghề truyền thống mà còn tượng trưng cho nét văn hóa hội họa độc đáo của đồng bào Khmer.

THANH VÀNG

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/doc-dao-nghe-ve-tranh-tren-kieng-59302.html