Độc đáo nghi lễ giao quan
Nghi lễ giao quan đầu xuân tại khu di tích đền Cao, phường An Lạc (Chí Linh) là nét đẹp văn hóa có từ lâu đời và trở thành nghi lễ quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây.
Nghi lễ giao quan đầu xuân tại khu di tích đền Cao, phường An Lạc (Chí Linh) là nét đẹp văn hóa có từ lâu đời được người dân địa phương bảo tồn, duy trì hàng nghìn năm nay.
“Tống cựu nghinh tân”
Giao quan là nghi lễ “Tống cựu nghinh tân”, chúc mừng các quan đám cũ đã hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chư vị tiên Thánh họ Vương trong một năm qua và được nhân dân tôn vinh là “Cụ Lềnh”, đồng thời chào đón các tân quan đám phục vụ chư Thánh trong năm tiếp theo.
Nghi lễ giao quan được tổ chức vào mùng 2 tháng giêng hằng năm, nhiệm kỳ làm việc 1 năm (từ mùng 2 Tết năm nay đến mùng 2 Tết năm sau). Sự lệ này đã trở thành nghi lễ quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây.
Theo Ban Quản lý di tích TP Chí Linh, đúng sáng mùng 2 tháng giêng, sau khi hành lễ mời các vị Thánh tại 3 di tích là đền Cao, đền Bến Tràng, đền Bến Cả, 5 quan đám cũ tập trung ở đền Cả để làm lễ tạ xin phép được về quê an cư và bàn giao công việc cho quan đám mới. Tiếp đến, 5 quan đám mới làm lễ trình xin Thánh để nhận nhiệm vụ. Thực hiện xong nghi lễ, đại diện Ban Quản lý di tích thành phố trao tặng 5 chữ với ý nghĩa may mắn, hạnh phúc để ghi nhận 5 quan đám cũ đã hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời chào mừng 5 quan đám mới.
Theo quan đám Nguyễn Văn Năm phụ trách đền Cao, những người được chọn làm quan đám phải đủ tiêu chuẩn. Đó là phải một lòng với việc Thánh, là người địa phương, sức khỏe tốt, không dị tật bẩm sinh; hiểu biết phong tục sự lệ của khu di tích và địa phương; gia đình hòa thuận, song toàn, không phải chịu tang.
Luật lệ khắt khe
Trong năm, các quan đám phải tuân thủ những luật lệ khắt khe, bởi khi được chọn tức là trở thành người phụng sự đức Thánh, mọi sinh hoạt phải tuân theo quy định đã có từ nghìn đời. Đó là không ăn cùng mâm, cùng bát, uống cùng chén, nằm cùng giường với mọi người trong gia đình; không ngồi ăn uống chung với những người có tang.
Ông Năm cho biết thêm quan đám phải kiêng ăn cá chép, các loại cá không có vẩy, tỏi, mắm tôm, thịt chó, thịt trâu bò, rau mùng tơi và rau húng chó. Đặc biệt, họ không được đến các đám tang, kể cả đám tang đã đưa người chết đi chôn cất.
Trong thời gian làm quan đám, nếu gia đình có tang nhưng không phạm vào tháng 3 (ngày giỗ Vương phụ, Vương mẫu) hoặc tháng 10 (ngày sinh năm vị tướng quân) thì trong thời gian 3 tháng (kể từ ngày có tang) được gửi trầu. Nghĩa là trong 3 tháng ấy không được vào hậu cung, chỉ được sắp lễ, đặt lễ ngoài ban công đồng.
Nếu quan đám nào phải để tang ai đó trong họ vào tháng 3, tháng 10 hoặc để tang từ 5 tháng trở lên thì không được gửi trầu, phải làm lễ tạ trả mũ áo để làng chọn người thay thế.
Mỗi tháng trong năm, quan đám phải ăn chay 6 ngày (13, 14, 15, 28, 29, 30 âm lịch). Chiều 14 và 30 âm lịch hằng tháng, các quan đám tập trung ở đền Cả, sau đó đi mở cửa các đền được phụ trách để xin phép dọn dẹp, thay trầu cau trong cung cấm. Chỉ quan đám mới được vào cung cấm và làm những việc này. Sáng 15 và mùng 1 âm lịch hằng tháng, các quan đám vào các đền xin hạ hòm đặt trầu, đặt lễ...
Khi vào hậu cung, các quan đám phải đội mũ, mặc áo truyền thống nghiêm chỉnh, che miệng bằng khăn vải đỏ để tránh trần khí xông lên Thánh cung; bước vào chân phải, bước ra chân trái và đi giật lùi không quay lưng vào bên trong. Họ chỉ được hành lễ tại các di tích của quần thể đền Cao (An Lạc), không được hành lễ ở nơi khác.
Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích TP Chí Linh cho biết các quan đám do nhân dân xã An Lạc bầu ra, là niềm vinh dự, tự hào nhưng trách nhiệm lớn lao. Nhiều quan đám không hoàn thành hết nhiệm kỳ do vướng tang trở. Năm 2021 có 2 quan đám không hoàn thành do gia đình có người mất. Mới đây, sau khi đã chọn được 5 quan đám phục vụ chư Thánh năm 2022 thì trong tháng này đã có 2 quan đám vướng tang phải làm lễ xin phép trả mũ áo.
Quần thể khu di tích đền Cao, phường An Lạc là nơi thờ năm anh em họ Vương có công giúp vua Lê Đại Hành đánh quân Tống xâm lược vào thế kỷ thứ X, trong đó có đền Cao, đền Bến Tràng, đền Bến Cả, đền Cả. Những di tích này có từ thời tiền Lê. Khu di tích còn có đền Vua thờ vua Lê Đại Hành và các địa danh gắn với cuộc kháng chiến chống Tống như núi Cao Hiệu, Lò Văn, Nội Xưởng, Đồng Dinh…
Ngoài nghi lễ giao quan, quần thể di tích đền Cao còn bảo lưu được nhiều sự lệ ly kỳ: Lễ giỗ Tổ thập nhị gia tiên, lễ khất keo xin trùm, lễ vót tăm, lễ khâu áo thánh, lễ thay tro đổi chiếu… Ở đây còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị như sắc phong, bia đá cùng hệ thống câu đối, đại tự, đồ thờ...
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/phong-tuc---le-hoi/video-doc-dao-nghi-le-giao-quan-196616