Độc đáo ngôi nhà cổ 100 tuổi của dòng họ Lai
Theo người dân địa phương, vào mùa nhãn chín kéo dài cho đến hết tháng Giêng hằng năm, tại Khóm 6, Phường 1, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tấp nập du khách ghé tham quan, họ thường dạo chơi vườn nhãn, viếng chùa Xà Bế rồi ghé nhà cổ của gia đình địa chủ người Hoa họ Lai nổi tiếng sống nhân đức.
Theo các cụ cao niên tại địa phương, do ý thức của dân tộc di cư, cũng như các dòng họ người Hoa khác, dòng họ Lai ở thị xã Vĩnh Châu cũng có tinh thần thờ tự bên cạnh hội quán để hướng về ông bà tổ tiên quê cũ, tạ ơn thánh thần trời Phật đã phù hộ họ trên đường đi lập nghiệp được thuận buồm xuôi gió. Vì vậy họ Lai đã lập nên ngôi Phước Hưng cổ miếu bên cạnh hội đoàn nhánh Xà Bế, chung quanh hàng chục ngôi nhà dòng họ. Trải qua trăm năm cùng với ngôi miếu cổ, những ngôi nhà cổ cũng đồng loạt xuống cấp, ngôi nhà nổi tiếng kiến trúc gỗ quý chạm khắc hình long lân quy phụng quý cũng bị dỡ bỏ, duy chỉ còn ngôi nhà cổ bằng gỗ căm xe của gia đình ông Lai Bửu Khánh, Lai Tấn Hưng vẫn gìn giữ đến hôm nay (vừa tròn 100 năm).

Nhà cổ họ Lai ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: NGỌC NHÂN
Nhà cổ họ Lai được xây dựng với kiến trúc truyền thống tường gạch, mái ngói âm dương, nền lót gạch tàu, cột kèo bằng gỗ, có mặt quay về hướng Bắc, lưng hướng ra đường cái, có 5 gian, 4 cửa sổ lớn, rất nhiều lỗ thông gió được thiết kế bằng những hoa văn đẹp mắt, tinh xảo, vật dụng nội thất đều được làm từ gỗ quý. Nhà được xây dựng từ năm 1925, phải mất ròng rã 1 năm sau mới hoàn thành. Hai bên hiên trước có cửa thông với 2 gian phụ dùng để nấu nướng chứa hàng hóa. Nhà có 36 cột, trên vách cửa đều khắc ấn, liễng đối hoành phi với câu chúc, lời răn dạy, phương châm sống của người xưa.
Nhà cổ họ Lai hầu như còn nguyên trạng do được bảo quản tốt qua các thế hệ của con cháu, sự bài trí trang nhã của bức bích họa, kết hợp với nội thất làm bằng gỗ quý hiếm… không chỉ tô thêm vẻ cổ kính, sang trọng cho không gian sống mà còn tạo sự ấm cúng, bình yên cho ngôi nhà.
Ông Lai Văn Tìa, 60 tuổi, cháu đời thứ 4 của người xây nên ngôi nhà cổ này cho biết: “Người xây nên ngôi nhà này là bà cố của tôi. Do ông cố mất sớm, một mình bà cố tảo tần nuôi 5 người con trai. Sau nhiều năm tích lũy, bà cố của tôi xây dựng được căn nhà to đẹp để con cháu sống quây quần bên nhau. Vì vậy con cháu đời sau luôn cố gắng chung tay giữ gìn căn nhà tổ này”.
Năm 2014, căn nhà được con cháu trùng tu, đến nay vẫn giữ nguyên hiện trạng cũ. Trong nhà có những bộ lư đồng, lộc bình, kim lộ, trường kỷ, đồng hồ, đèn măng sông cổ, 4 cái bộ ngựa làm bằng 2 loại gõ quý (đen và đỏ), mỗi cái nặng hàng trăm ký được đấu nối lại với nhau từ những miếng ván dày hơn gang tay.
Ngoài ra, trên vách nhà còn có hàng chục bức tranh sống động tái hiện cuộc sống, cảnh sinh hoạt, lao động, sản xuất nghề truyền thống của gia đình như trồng hành, trồng nhãn, rau, thu hoạch củ cải. Hình ảnh những chú chim công, chim trĩ, nai, trâu… được phác họa sắc nét miêu tả cuộc sống thiên nhiên nơi làng quê ngày xưa gắn với đời sống nông phu của những đàn ông trong gia tộc.
Hai cột gỗ trung tâm nhà khắc 2 mặt chữ màu vàng đỏ với nét chữ rất đẹp và hiếm, được nhiều homestay ngoài tỉnh đến học hỏi, bắt chước mô phỏng mang về thiết kế để phục vụ khách du lịch.
Có thể nói nhà cổ họ Lai có lối kiến trúc độc đáo giao thoa giữa kiến trúc Hoa với quy tắc bố cục theo phong thủy truyền thống giản dị của người Việt Tây Nam Bộ xưa. Mỗi gian nhà là một trang sách quý nhắc nhở con cháu sống tốt đẹp cho đời, tấm lòng luôn hướng về nguồn cội.
Tham quan nhà cổ ta không chỉ tìm hiểu di sản văn hóa mà còn học hỏi cái đức hạnh của người xưa, luôn lấy chữ hiếu, lễ làm đầu.
Ẩn sâu trong ngôi nhà gỗ chính là câu chuyện của sự mưu cầu hạnh phúc bình an, vẻ đẹp, năng khiếu và sở thích đối với văn hóa nghệ thuật mà người xưa hướng đến và lưu truyền cho con cháu muôn đời sau. Nhà cổ họ Lai là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về tính thẩm mỹ, nét văn hóa giao thoa của vùng đất, con người Sóc Trăng xưa.