Độc đáo những vườn cây 100 tuổi
Ngoài các rừng nguyên sinh ở Vườn quốc gia Cát Tiên (trên địa bàn 2 huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu), núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc và TP.Long Khánh), khu vực Thác Mai - rừng Gia Canh (H.Định Quán); ở Đồng Nai còn nhiều vườn cây cổ thụ như: vườn dầu ở đình Phước Tân (TP.Biên Hòa); vườn cây ở Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam bộ (H.Trảng Bom); vườn cao su cổ (H.Thống Nhất).
Những khu rừng, vườn cây cổ thụ này không chỉ tạo cảnh quan, bóng mát, góp phần điều tiết không khí, giảm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm, hạn chế xói mòn mà còn có giá trị về văn hóa, lịch sử và thiên nhiên.
* Giá trị văn hóa, lịch sử
Vườn dầu tại Đình Phước Tân (P.Phước Tân) là nơi có nhiều cây cổ thụ ở TP.Biên Hòa. Vườn hiện còn hơn 120 cây dầu, sao, bằng lăng có tuổi đời từ 50 năm đến hơn 300 năm đang được giữ gìn chăm sóc.
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp có tốc độ đô thị hóa nhanh. Việc giữ gìn và phát triển các mảng xanh là một trong những tiêu chí bắt buộc đối với các đô thị. Hiện nay, ngoài việc bảo vệ nghiêm ngặt các loại cây ở rừng nguyên sinh như: Nam Cát Tiên, núi Chứa Chan, rừng Gia Canh; nhiều vườn cây lâu năm đang được kiến tạo, giữ gìn.
Ông Huỳnh Văn Sơn (80 tuổi, ấp Miễu, P.Phước Tân) chia sẻ, khi ông chừng 20 tuổi vườn dầu đã cao lớn. Nay, khi ông đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, vườn dầu vẫn sừng sững giữa đất trời. Kỷ niệm ông Sơn nhớ nhất là một lần chơi trốn tìm với bạn đồng trang lứa quanh những gốc dầu, ông bị một con chó đuổi, chạy quanh gốc cây dầu được mấy vòng thì ông ngồi thụp xuống đất, thấy vậy con chó ngừng đuổi. “Quá nửa thế kỷ sống ở đây, từ thuở đình còn là vùng đất hoang sơ cho đến khi nhà ở san sát, chưa khi nào tôi thấy cây gãy đỗ đè vào đình hay nhà dân. Nhiều lần sông Buông bị nước lũ đầu nguồn nhấn chìm, nhưng người dân sinh sống quanh đình vẫn bình yên, như có thần Thành Hoàng (vị thần cai quản vùng đất theo tín ngưỡng dân gian) che chở” - ông Sơn nói.
Ông Bùi Văn Bé, một cao niên khác chia sẻ, trước đây khu vực ấp Miễu là rừng tự nhiên. Khi xây dựng đình (khoảng năm 1910), các cụ lão đã tận dụng cây sao, cây bằng lăng già cỗi, gãy đổ làm cột, kèo, đòn tay, vách cửa. Có thời gian, bộ đội ta phải chặt cây, phá đình để quân địch không chiếm đóng làm căn cứ. Những cây sao, cây dầu ở đây đã chứng kiến bao lớp người đến và đi, sự đổi thay của vùng đất. Hiện các cây cổ thụ ở đây được Chi cục Kiểm lâm TP.Biên Hòa đánh số thứ tự để tiện cho việc quản lý, theo dõi. Hội đình cũng tuyên truyền để người dân chung tay giữ gìn vườn cây cổ thụ, kiến nghị tỉa tán để đảm bảo an toàn cho người dân khi đến đình sinh hoạt.
Tại H.Thống Nhất, cũng có một vườn cây hơn 100 tuổi, đó là vườn cao su cổ do người Pháp chủ trương trồng. Sách Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam (NXB Lao động phát hành năm 2015) viết: Năm 1906, người Pháp nhận thấy vùng đất ở Dầu Giây (H.Thống Nhất) màu mỡ nên đã lập điền trồng thử nghiệm 1 ngàn cây cao su. Thấy cây phát triển nhanh, cho mủ, họ phát triển đồn điền khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đến năm 1980, ngành cao su quyết định ngưng khai thác mủ ở vườn này để phục vụ nghiên cứu, giáo dục lịch sử, truyền thống cho thế hệ trẻ. Hiện tại vườn cao su còn khoảng 300 cây trên 100 năm. Trong đó, có những “cụ” cao su có đường kính lên đến 3m, cao 30-40m.
Theo chia sẻ của Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai Vũ Thị Mỹ Lệ, người trong ngành rất tự hào về vườn cây cổ. Mỗi dịp kỷ niệm ngành, nhiều người đến vườn tham quan, tìm hiểu. Năm 2015, tổng công ty đã đầu tư tái hiện nhà của phu cao su thời Pháp thuộc, những vật dụng của công nhân cao su để khách tham quan, học sinh, sinh viên hiểu hơn về giá trị lịch sử truyền thống của ngành.
* Kiến tạo, giữ gìn rừng xanh
Cùng với vườn cao su ở H.Thống Nhất, những năm đâu thế kỷ XX, người Pháp đã thiết lập một trung tâm khảo cứu lâm học tại H.Trảng Bom (nay thay vào đó là Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam bộ).
Theo một số tài liệu còn lưu giữ, vườn cây sưu tập khảo cứu có diện tích hơn 300ha với khoảng 50 loài cây. Nhiều giống cây ở rừng tự nhiên, cây du nhập từ nước ngoài được đưa về trồng phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhiều lần thay tên đổi chủ, năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam bộ, thuộc sự quản lý của Viện Khoa học lâm nghiệp Nam bộ chính thức được thành lập và khu vườn trở thành nơi học tập, nghiên cứu của sinh viên, cán bộ ngành lâm nghiệp.
Vườn cây hiện tại được ví như một khu rừng thu nhỏ với khoảng 7ha, gần 280 loài thực vật sinh sống. Trong đó có nhiều loại cây cổ quý được đưa từ nơi khác về trồng như: lim, lát hoa, chiêu liêu, cây giòn Ấn Độ; cây bản địa như: pơ mu, bách xanh, đinh tùng... có tuổi đời từ 30 đến hơn 110 năm.
Theo chia sẻ của đơn vị quản lý, ngoài thảm thực vật phong phú phục vụ mục đích học tập và nghiên cứu, nơi đây còn là mảng xanh tuyệt vời cho TT.Trảng Bom trong quá trình đô thị hóa. Trong tương lai, trung tâm sẽ bổ sung thêm các loại cây mới nhằm tạo nên một khu rừng đa sinh thái.
Dọc theo quốc lộ 1 còn có một khu rừng nhân tạo khác nằm trên địa bàn P.Suối Tre (TP.Long Khánh), đó là Trung tâm Văn hóa Suối Tre.
Nét đẹp của Trung tâm Văn hóa Suối tre không chỉ ở mặt “phong thủy” với gò đồi cao, khí hậu ôn hòa mà nơi đây còn có thảm thực vật cổ thụ nhiều tầng tán xen kẽ những ngôi nhà cổ theo kiến trúc từ thời Pháp thuộc. Hiện tại, nơi đây có gần 100 cây cổ thụ, 10 ngôi nhà cổ, là điểm dừng chân tham quan, cắm trại, tìm hiểu về văn hóa lịch sử của nhiều người. Theo quy hoạch, Trung tâm Văn hóa Suối Tre sẽ được kiến tạo thành một khu du lịch văn hóa tầm cỡ, hướng đến mục tiêu hình thành điểm du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng, phục vụ ẩm thực... Các giá trị như nhà cổ, cây xanh được ưu tiên giữ gìn.
Vài năm trở lại đây, khu vực Thác Mai - rừng Gia Canh (H.Định Quán) đang được đầu tư khai thác du lịch. Bà Nguyễn Thị Diễm Châu, Phó chủ tịch UBND H.Định Quán từng chia sẻ, các điểm du lịch như: Bàu nước sôi, Thác Mai có điểm chung là nằm trong rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động thực vật đa dạng. Do đó trong quá trình khai thác du lịch, chính quyền huyện đề cao vấn đề phòng hộ rừng hơn là du lịch. Các yếu tố nguyên sơ về thiên nhiên lẫn văn hóa bản địa được tôn trọng và giữ gìn. Chẳng hạn như việc xây dựng tuyến đường trong rừng phải đảm bảo hạn chế thấp nhất việc chặt cây, tỉa cành để làm đường. Các nhà đầu tư quan tâm khai thác du lịch trên địa bàn cũng được yêu cầu không can thiệp vào rừng tự nhiên, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú cho biết, để tránh việc lợi dụng khai thác du lịch chặt phá cây rừng, mỗi cây đều được đánh số thứ tự. Khi thực hiện tỉa cành phải làm hồ sơ báo cáo cơ quan chức năng. Theo ông Tuấn, khu vực Thác Mai - rừng Gia Canh nhiều “cụ” cây có giá trị đang được giữ gìn như: cây tùng đại thụ ngàn năm tuổi với bộ rễ khổng lồ; cây bằng lăng cổ một gốc nhưng có tới 5 ngọn cao vút lên không trung; cây gõ to hơn 700 năm tuổi cao gần 40m và còn rất nhiều cây đại thụ khác.