Độc đáo ở 10 huyện cùng tên 'Châu Thành' ở ĐBSCL
Trong số 13 tỉnh/ thành ở Đồng bằng sông Cửu Long thì có đến 10 tỉnh/ thành đều có huyện mang tên chung Châu Thành. Tuy nhiên, huyện 'Châu Thành' ở mỗi tỉnh lại có nét độc đáo và ý nghĩa rất riêng đối với người dân miền Tây sông nước này?
Trên đường xuôi về miền Tây Nam bộ, người đi đường sẽ bắt gặp rất nhiều huyện mang tên Châu Thành thuộc nhiều tỉnh/thành khác nhau
Nét riêng của 19 huyện có tên chung "Châu Thành" ở Đồng bằng Sông Cửu Long
Đặc điểm chung và dễ nhận thấy ở 10 huyện “Châu Thành” của các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh của Đồng bằng sông Cửu Long là huyện nằm bên cạnh thị xã, thành phố tỉnh lỵ. Theo đó, xưa nay nhiều người vẫn tự hiểu là một huyện liền kề với tỉnh lỵ.
Thế nhưng mỗi huyện của mỗi tỉnh đều có nét riêng khá ấn tượng. Đầu tiên phải kể đến là huyện Châu Thành - Tiền Giang nổi tiếng với Trại rắn Đồng Tâm của Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9. Là điểm đến độc đáo trong hành trình du lịch khám phá miền Tây sông nước, với nhiều loài rắn khác nhau từ rắn lành đến rắn độc, tìm hiểu các loại dược liệu quý hiếm, thăm Bảo tàng rắn đầu tiên của Việt Nam... cùng nhiều trải nghiệm thú vị khác.
Giống sen lá lớn, chắc khỏe có thể chịu được sức nặng của một người trưởng thành ở chùa Phước Kiển, thuộc huyện Châu Thành - Đồng Tháp.
Tại huyện Châu Thành - Bến Tre có cây cầu Rạch Miễu nằm bắc qua đôi bờ sông Tiền được khánh thành năm 2009, có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 8.300 m. Công trình giao thông ý nghĩa này thay thế bến phà Rạch Miễu lịch sử hoạt động cả trăm năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL.
Đến với huyện Châu Thành - Kiên Giang nơi đây từ lâu nổi danh với thương hiệu khóm Tắc Cậu có vị thanh ngọt đặc trưng. Từ khóm (dứa, thơm), người dân địa phương đã chế biến nên nhiều món ngon như nước ép khóm, mứt khóm, bánh khóm, khóm sấy dẻo...
Còn tại Trà Vinh, huyện Châu Thành nổi tiếng với ngôi chùa Hang - Chùa Kompông Chrây với lối kiến trúc độc đáo, trông như vòm hang động. Hằng năm đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch của tỉnh Trà Vinh.
Thuộc địa phận huyện Châu Thành - Đồng Tháp, chùa Phước Kiển tuy nhỏ bé khiêm tốn song lại khá nổi tiếng với những lá sen khổng lồ, vì thế nơi đây còn có tên khác là chùa Lá Sen. Người dân thường gọi giống sen cho lá to lớn, kỳ lạ ở chùa Phước Kiển là sen vua... Đến đây, du khách có thể đứng, ngồi trên những lá sen giữa một ao sen mênh mông bát ngát.
Lễ hội làm chay hay Lễ hội làm trai là một lễ hội tập tục địa phương hàng năm của người dân huyện Châu Thành - Long An được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ năm 2015
Ở huyện Châu Thành - Long An nổi tiếng với Lễ hội làm chay. Đây là một nét đặc trưng trong hoạt động văn hóa thể hiện cái ơn, cái nghĩa với người đã khuất mà người dân. Lễ hội làm chay có nguồn gốc xuất phát từ việc tưởng nhở đến công ơn 2 nhân vật yêu nước bị thực dân Pháp xử bắn là Đỗ Tường Tự và Đỗ Tường Phong. Nhưng để qua mặt thực dân Pháp, nhân dân lúc bấy giờ đã lợi dụng tình hình sâu bệnh mất mùa để tổ chức cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, côn trùng không phá hoại để tổ chức cúng trai đàn cho 2 nhân vật yêu nước vừa ngã xuống vì quê hương này.
Làm chay để tưởng nhớ 2 vị anh hùng của quê hương được duy trì cho đến ngày nay và đã trở thành lễ hội hàng năm của nhân dân huyện Châu Thành - Long An. Năm 2015, Lễ hội làm chay ở huyện Châu Thành đây đã được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia...
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doc-dao-o-10-huyencung-ten-chau-thanh-o-dbscl-post80226.html