Độc đáo 'pháo đài' trong cát hơn 32km
Dưới những rặng tre xanh rì tại phường Bàn Thạch (TP Đà Nẵng), địa đạo Kỳ Anh được người dân ví như 'pháo đài' trong cát khi có tổng chiều dài lên đến 32km được đào xuyên dưới nền nhà dân, ao nước, đình làng. Đây là một trong 3 địa đạo có quy mô lớn nhất Việt Nam thời kỳ đấu tranh chống Mỹ, cứu nước.
Địa đạo Kỳ Anh, một "pháo đài" trong lòng đất
Xã Kỳ Anh (nay là phường Bàn Thạch, TP Đà Nẵng) cách trung tâm tỉnh Quảng Nam (trước đây) khoảng 5km về hướng Đông – Bắc.
Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước ác liệt nhất trên chiến trường Quảng Nam (1964 – 1975), trên địa bàn huyện Bắc Tam Kỳ (trước đây), cuộc chiến đấu của quân và dân Kỳ Anh diễn ra vô cùng quyết liệt.
Đảng bộ và nhân dân xã Kỳ Anh quyết tâm xây dựng hệ thống địa đạo, mở ra hệ thống hầm bí mật trong lòng đất để trụ bám, đánh địch.

Đình làng cổ Thạch Tân là nơi khởi nguồn của địa đạo Kỳ Anh
Tháng 1-1965, cán bộ và nhân dân xã Kỳ Anh đã đào thử nghiệm địa đạo với chiều dài 25m dọc theo các vườn tre. Tháng 5-1965, bắt đầu triển khai trên diện rộng và đào liên tục đến năm 1968, một số đoạn được đào đến năm 1969.
Địa đạo được đào bí mật với hình dạng như ô bàn cờ, quanh co, uốn khúc nhiều ngõ ngách và có chiều dài khác nhau tùy theo địa thế của mỗi thôn. Địa đạo có chiều rộng 0,8 – 1m, cao khoảng 1,2 – 1,5m.
Khác với địa đạo Vịnh Mốc hay Củ Chi, địa đạo Kỳ Anh được đào ở vùng cát, do đó phải đào xuyên xuống tầng đất cứng mới khỏi sụp lở, nghĩa là phải có bề dày trên 2m. Khó nhất là những đoạn xuyên qua suối, hồ nước, nhà dân.

Hầm chỉ huy nằm sâu dưới lòng đất cách đình làng Thạch Tân chỉ chừng 50m
Ông Huỳnh Kim Ta (66 tuổi, trú làng Thạch Tân, phường Bàn Thạch) cho biết, địa đạo nằm ngay trong lòng xóm làng nên được người dân giấu kín và bảo vệ suốt những năm kháng chiến.
Vị trí đào địa đạo chỉ cách trụ sở chính quyền ngụy 7km và cách nơi quân Mỹ đóng quân khoảng 2km, nên nơi đây được xem là vùng chiến lược của cách mạng, đóng vai trò hết sức quan trọng.
Địa đạo được khởi nguồn từ đình làng Thạch Tân hơn 300 năm tuổi. Dưới nền đình là hầm cứu thương, hầm trữ lương thực. Từ đây, các ngách của địa đạo dẫn đi các hướng khác nhau.
Nhờ có địa đạo Kỳ Anh mà nhân dân trong xã đã giữ vững vùng giải phóng, nuôi giấu, che chở lực lượng cách mạng và làm bàn đạp mở rộng tấn công địch.

Nhiều lối ra được ẩn giấu dưới cây rơm, rặng tre rất khó phát hiện
“Vì có vị trí quan trọng, nên trong chiến tranh, nơi đây thường bị địch đánh phá rất ác liệt khiến nhà cửa, làng mạc bị tàn phá nghiêm trọng. Thời đó, làng chỉ có 140 hộ với hơn 600 nhân khẩu, nhưng có đến 203 liệt sĩ và 59 bà mẹ Việt Nam anh hùng”, ông Ta kể.
Hệ thống địa đạo Kỳ Anh là một công trình lịch sử, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Là một trong nhiều điển hình sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta.
Mỗi tấc đất, mỗi hàng cây, ngõ xóm của địa đạo đều thấm máu, mồ hôi, công sức và chiến công của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ xã Kỳ Anh.
Đến năm 1997, địa đạo Kỳ Anh được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là bộ Văn hóa – Thể thao – du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Hệ thống địa đạo Kỳ Anh được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997
Ông Lê Ngọc Dương, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường Bàn Thạch cho biết, địa đạo Kỳ Anh là một địa chỉ đỏ đặc biệt trên địa bàn phường. các trường học và Đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức lễ kết nạp Đội viên, Đoàn viên tại khu vực này.
Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường Bàn Thạch thông tin, TP Tam Kỳ trước đây cũng như phường Bàn Thạch hiện nay cũng đầu tư tôn tạo để phát huy hết các giá trị của di tích.
Để từ đây, trở thành một điểm bảo tồn di tích trên địa bàn cũng như một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Hiện nay, khu vực địa đạo đã được địa phương đưa vào thành một điểm trên bản đồ du lịch để quảng bá người dân trong và ngoài nước.

Công tác chăm lo cho người có công trên địa bàn di tích được địa phương rất chú trọng
“kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Đảng bộ phường đã tổ chức nhiều đợt thăm hỏi các đối tượng chính sách trên địa bàn phường, trong đó có các thôn, khối phố thuộc địa đạo Kỳ Anh. Cũng trong dịp này, địa phương tổ chức viếng hương, thắp nến tri ân tại khu vực di tích địa đạo Kỳ Anh”, ông Lê Ngọc Dương thông tin thêm.
>>>Một số hình ảnh của địa đạo Kỳ Anh:

Địa đạo có tổng chiều dài 32km nằm sâu dưới nhà dân, đình làng, mương nước


Di tích thường xuyên đón các đoàn khách quốc tế đến tham quan

Ẩn dưới móng của đình làng là các hầm cứu thương, tích trữ lương thực

Miệng hầm được ngụy trang giống với móng nhà

Hầm cứu thương bên dưới móng đình làng Thạch Tân

Các di tích hiện nay vẫn nằm trong khu vực người dân sinh sống

Địa đạo có chiều rộng 0,8 – 1m, cao khoảng 1,2 – 1,5m

Các miệng hầm được thông với nhau giữa các nhà dân, đường hầm thoát hiểm khi bị địch càn

Ông Huỳnh Kim Ta giới thiệu với du khách về di tích địa đạo Kỳ Anh

Khu vực trưng bày hình ảnh, hiện vật của địa đạo Kỳ Anh

Đây là một địa chỉ đỏ của địa phương

Đoàn viên thanh niên phường thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn tại khu vực địa đạo Kỳ Anh
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doc-dao-phao-dai-trong-cat-hon-32km-post805662.html