Độc đáo phiên chợ Đọ Kinh Môn đầu năm mới

Phiên chợ Tết Nguyên đán đầu tiên của năm mới đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống từ bao đời nay của người Việt. Phiên chợ thường bắt đầu từ ngày mùng 2 Tết.

Mua muối đầu năm để mong muốn cả năm làm ăn phát đạt, may mắn, thuận lợi

Mua muối đầu năm để mong muốn cả năm làm ăn phát đạt, may mắn, thuận lợi

Cũng như nhiều phiên chợ đầu năm ở nhiều nơi khác, muối là sản phẩm không thể thiếu tại phiên chợ đầu tiên trong năm tại chợ Đọ, xã Lạc Long (Kinh Môn). “Gừng cay, muối mặn”, mọi người đều mua muối bởi họ quan niệm muối là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Họ mua muối đầu năm với mong muốn gia đình hòa thuận, anh em keo sơn gắn bó.

Cầm trên tay gói muối, bà Dương Thị Toàn (62 tuổi) ở xã Lạc Long cho biết từ xa xưa đã có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” với quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và mang lại nhiều may mắn. Đầu năm mua muối cả năm sẽ làm ăn phát đạt, may mắn, thuận lợi, sung túc. Còn cuối năm hay mua vôi để trang trí lại nhà cửa với hy vọng tránh được những điều không may mắn.

Ngoài muối, một số thực phẩm khác cũng được đa số người dân lựa chọn là thịt bò, thịt bê, cà chua, mía. Bà Phạm Thị Phương (64 tuổi) ở xã Thăng Long cho biết mua thịt bò, cà chua để mong mọi thứ tươi đỏ và mua mía để cả năm ngọt ngào. “Tôi mua cả rau cần, đu đủ để mong một năm cần kiệm và cuộc sống đủ đầy”, bà Phương nói.

Mong một năm chi tiêu cần kiệm nên rau cần cũng là mặt hàng được nhiều người lựa chọn

Mong một năm chi tiêu cần kiệm nên rau cần cũng là mặt hàng được nhiều người lựa chọn

Bà Phương và bà Toàn đều cho biết đầu năm mọi người kiêng mua những thứ thể hiện cho sự cay đắng. Vì vậy ớt và gừng là những gia vị không được mọi người lựa chọn. “Có những thứ đắt nhưng mọi người vẫn mua và không mặc cả đầu năm mới”, bà Toàn cho biết thêm.

Phiên chợ đầu tiên của năm mới khác với các phiên chợ thông thường, bởi dịp này người đi chợ mua những thứ mình mong muốn để cầu may mắn, suôn sẻ. Còn người bán cũng mong bán nhanh để lấy may cho một năm mới bán buôn trôi chảy mà không nghĩ đến lãi lời. Nét văn hóa này đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt, duy trì suốt bao đời và đã trở thành một "nghi thức" không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới. Chỉ có những chợ phiên các vùng quê mới có, chứ không ai vào một siêu thị sáng choang, hiện đại để thực hiện nghi thức ấy.

Bán hàng tạp hóa ở chợ Đọ đã ngót 30 năm, bà Đỗ Thị Sen (62 tuổi) cho biết đầu năm mọi người mua muối rất nhiều nên từ trong năm đã phải nhập hàng tăng gấp đôi. Trước đây thường đong muối bằng ống cân để bán, ống cân muối phải có ngọn mới đúng ý người mua. Bây giờ không còn đo như thế nữa mà thay bằng túi muối đã được đóng gói sẵn. “Phiên chợ đầu năm nên chỉ mong nhiều người đến mua hàng, mua nhanh để mong cả năm mua may bán đắt”, bà Sen nói.

Phiên chợ Tết đầu năm đã trở thành điểm hẹn, là giao thoa văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Ở đây mọi người không chỉ mua bán rôm rả mà còn là dịp dành cho nhau những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

THẾ ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/doc-dao-phien-cho-do-kinh-mon-dau-nam-moi-225229