Độc đáo rừng cổ trâm bầu
Khu rừng trâm bầu trên 500 tuổi này được nhiều thế hệ người dân nơi đây coi là báu vật của thiên nhiên ban tặng, ra sức giữ gìn như chính sinh mạng của mình
Giữa vùng đất cát nắng cháy da người của tỉnh Quảng Bình có khu rừng trâm bầu cổ thụ rộng hơn 150 ha thuộc thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch. Đây được xem là một trong những khu rừng cổ độc đáo nhất của miền Trung.
Chở che dân làng bao đời nay
Khu rừng trải dài trên một đồi cát trắng phau, hơn 4 km, như "bức bình phong" bảo vệ, che chở cho những làng quê nơi đây. Thanh Bình là ngôi làng nằm ở phía Đông của huyện Quảng Trạch, vùng đất ở đây chủ yếu là cát trắng. Các cụ cao niên nói xưa làng có tên là Nghĩa Nương - được khai khẩn cách đây khoảng hơn 500 năm. Tương truyền, khi ông tổ Dương Phúc Thái cùng 11 bậc tiền nhân khác di cư từ Bắc vào đất Bố Chính (Quảng Bình ngày nay), để lập nghiệp thì thấy vùng đất này có địa thế bằng phẳng, thuận lợi cho việc trồng lúa nước nên quyết định khai khẩn, lập làng.
Khung cảnh làng quê này rất thanh bình, đúng như tên gọi của nó. Nhiều người cho rằng các bậc tiền nhân xưa khéo chọn địa thế để lập nghiệp, bởi ngoài cánh đồng lúa nước đầy ắp phù sa, phía sau làng còn cả khu rừng trâm bầu xanh tốt - trở thành tấm chắn sóng biển, cát bay cho dân làng. Bởi vậy, người dân dần quần tụ về đây sinh sống đông đúc, trù phú.
"Rừng trâm bầu này được dân làng bao đời nay xem như "báu vật", hiếm làng quê nào có được. Bởi nó là lá phổi xanh, quyết định sự tồn vong của mảnh đất này" - ông Dương Bình Sơn, Trưởng thôn Thanh Bình, đầy tự hào.
Rừng trâm bầu ở Thanh Bình hiện vẫn nguyên thảm thực vật, vô cùng phong phú với vô số cổ thụ, gốc to khỏe, chắc mập găm sâu xuống cát. Khi đi chân trần trên cát, được phủ bóng râm từ những tán rừng trâm bầu xanh hoang sơ, nhiều người cứ ngỡ mình lạc vào miền cổ tích!
Trong rừng, nhiều loài chim trú ngụ như: chào mào, vành khuyên, cu gáy; nhiều loài bò sát, lưỡng cư khác cùng sinh sống. Cộng sinh với trâm bầu là cây mà ca, lộc vừng, có cả quần thể sâm Mã Lai - tác dụng chữa bệnh rất tốt.
"Những ngày nắng hạn, hầu hết các làng quê đều khô khốc, riêng 700 giếng nước trong làng này chưa bao giờ cạn, bởi có mạch nước bất tận từ rừng trâm bầu - nguồn sống của người dân từ xưa tới nay. Rừng còn chở che dân làng không bị cát bay, cát nhảy xâm lấn, do địa thế nằm sát biển, bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân" - ông Sơn phấn khởi.
Giữ rừng bằng hương ước
Người dân Thanh Bình coi việc giữ rừng trâm bầu là đương nhiên, dường như đã có sẵn trong tiềm thức mỗi người, được truyền qua bao thế hệ. Từ xưa tới nay, người làng coi rừng cây như mạng sống của mình vậy nên luôn giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt, cấm bất kỳ ai đụng đến.
Từ năm 1959, làng Thanh Bình chính thức lập đội bảo vệ rừng với 11 người do hợp tác xã nông nghiệp quản lý. Những thành viên được chọn làm bảo vệ rừng thường là trai tráng khỏe mạnh, có uy tín, trách nhiệm, được người dân trong thôn bầu lên và được trả công bằng thóc lúa. Người dân trong làng cho biết hàng chục năm nay họ đã thay nhau góp lúa nuôi đội bảo vệ chỉ để làm nhiệm vụ canh giữ cho rừng trâm bầu bình yên, không để ai xâm phạm.
"Anh em bảo vệ rừng chỉ được hưởng 8 tạ thóc/năm. Tất cả số thóc này hoặc tiền quy ra từ thóc đều do người dân trong thôn đóng góp với mức mỗi khẩu 10 kg/năm, chẳng đáng là bao. Dù vậy, anh em luôn ý thức trách nhiệm giữ rừng. Người dân cũng là "tai mắt" của đội bảo vệ, luôn đồng lòng coi sóc; người lạ mà vào rừng sẽ bị ngăn chặn, theo dõi" - ông Dương Minh Huy (SN 1960), Đội trưởng Đội bảo vệ rừng trâm bầu thôn Thanh Bình - có thâm niên bảo vệ rừng này hơn 30 năm nay, tâm sự. Với ông, công việc này không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình yêu của mình dành cho cánh rừng cổ này.
Ông Huy cho biết việc bảo vệ rừng trâm bầu như một định chế giữ làng được tu dưỡng từ hàng trăm năm nay. Từ xưa, làng đã lập "hội thề giữ rừng trâm bầu"; từ lý trưởng, phú hộ đến con dân trong làng ai nấy cũng một lời thề giữ rừng như giữ lửa trong nhà; nếu ai cả gan xâm phạm, sẽ bị trừng trị thích đáng.
Ngày nay, để giữ được rừng, làng Thanh Bình đã lập ra hương ước, quy định nghiêm khắc. Chẳng hạn, ai bị phát hiện xâm hại cây sẽ bị phạt tiền (bẻ 1 cành cây sẽ bị phạt 50.000 đồng, chặt cây sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng); người làng vào rừng không được phép mang theo dao, rựa; chỉ được quét lá trâm bầu mang về nấu bếp...
Các cụ cao niên ở Thanh Bình thường dạy con cháu rừng này là mái nhà che chở cho dân làng, như manh áo ấm của mỗi người. Nếu không giữ được rừng, họ chẳng còn biết nương tựa vào đâu. Cứ thế, từ đời này sang đời khác, bà con trong làng nhất nhất tuân theo hương ước của làng. Nhờ vậy, rừng trâm bầu đến nay vẫn xanh tốt.
Khu rừng hiếm thấy
Theo một số nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn động vật và thực vật quốc tế (FFI), cây trâm bầu có hệ thống rễ cực tốt cho lọc nước, loại bỏ các chất độc, lọc mặn, khử phèn, hóa giải độ chua. Nó góp phần quan trọng tạo nên hệ sinh thái trong khu vực, sự ưu việt về mảng xanh và không khí trong lành. Khu rừng trâm bầu ở Thanh Bình được tổ chức này đánh giá là hiếm thấy trên cát, cần bảo tồn không chỉ cho lợi ích của một làng quê mà còn có tác dụng lớn đối với cả vùng.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/moi-truong/doc-dao-rung-co-tram-bau-20220308212546976.htm