Độc đáo sản phẩm nón làm từ lá bàng rừng
Với ý nghĩ phải góp sức làm ra một sản phẩm phục vụ du khách đến Huế du lịch, ông Võ Ngọc Hùng tìm hiểu, nghiên cứu các công đoạn làm nón từ lá bàng rừng...
Trong căn nhà nhỏ số 36/13 Kim Long, phường Kim Long, TP Huế, ông Võ Ngọc Hùng (62 tuổi), đang tẩn mẩn xử lý những chiếc lá bàng rừng còn xanh được hái từ rừng về.
Vừa lau chùi bụi bẩn bám trên lá bàng, ông Hùng kể, trước đây vì kế mưu sinh nuôi các con ăn học nên ông cùng vợ mình là bà Lê Thị Kỳ Ngộ làm rất nhiều nghề khác nhau.
Thế rồi cách đây không lâu, ông tình cờ đọc được thông tin về những sản phẩm nón Huế làm từ lá sen được triển lãm tại lễ hội Festival Huế. Lúc ấy, ông nghĩ, tại sao mình không góp sức làm ra một sản phẩm phục vụ du khách đến Huế du lịch. Với ý nghĩ đó, ông tìm hiểu, nghiên cứu các công đoạn làm nón từ lá bàng rừng...
Bỏ công sức nhiều tháng trời lặn lội trên những cánh rừng ở tỉnh Thừa Thiên-Huế để tìm những cây bàng cổ thụ, lựa chọn lá có kích thước to, xương và gân lá dày có thể phủ hết 16 vành nan nón lá, ông Hùng hái mang về.
Có được những chiếc lá bàng rừng vừa ý, ông đem ngâm chúng vào bột baking soda để chất diệp lục phân hủy hết. Sau gần 50 ngày, ông tiếp tục dùng bàn chải đánh răng để chải lá đến lúc chiếc lá bàng chỉ còn… xương và gân.
“Chải lá bàng là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ phải khéo tay, cẩn thận và chiếc lá sẽ được chải đến khi nào trong suốt chỉ còn trơ xương gân thì mới đảm bảo yêu cầu. Nếu sơ suất có một đường rách nhỏ thì chiếc lá bàng ấy cũng sẽ bị bỏ đi”, ông Hùng nói.
Sau khi hoàn thành các công đoạn, qua đôi tay khéo léo của người thợ, chiếc nón lá bàng dần được hình thành trên khung chằm nón. Để nón có độ bền, ông Hùng sơn phủ lên nón lớp sơn bóng để giúp giữ màu của xương, gân lá bàng.
Theo ông Hùng, để làm nên một chiếc nón lá bàng phải mất khoảng thời gian 2 tháng ròng rã, từ khâu tìm hái lá bàng rừng, xử lý lá đến chằm nón, sơn nón. Tuy nhiên, do công việc được thực hiện theo kiểu “gối đầu” nên mỗi tháng, vợ chồng ông Hùng cho “ra lò” từ 40-50 chiếc nón lá bàng rừng và được bán với giá 450.000 đồng/chiếc.
Với sự độc đáo, tinh tế của chiếc nón lá bàng rừng nên nhiều du khách khi đến Huế đều muốn mua sản phẩm nón lá bàng làm kỷ niệm. Vì thế, dù giá cao hơn so với giá các loại nón lá khác nhưng sản phẩm nón lá bàng rừng do ông Hùng làm ra luôn “cháy hàng”.
“Thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu để có thể kết hợp các chất liệu khác với lá bàng làm nón và có thể đưa lên nón những hình ảnh danh lam thắng cảnh của xứ Huế như sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ… để làm cho nón lá bàng đẹp hơn, qua đó đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Ngoài ra, tôi còn dự định sẽ thuê một khu nhà xưởng lớn để mở lớp truyền dạy nghề làm nón cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, với mong muốn giúp các em có được công ăn việc làm ổn định”, ông Hùng bày tỏ dự định với sản phẩm nón lá bàng trong tương lai.