Độc đáo tiêu bản voi rừng Vườn Quốc gia Pù Mát

Hai bộ xương voi được Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) trưng bày, trở thành lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về ý thức bảo tồn động vật hoang dã.

Bộ xương voi trưng bày ở Vườn Quốc gia Pù Mát. (Ảnh: Phạm Tâm)

Bộ xương voi trưng bày ở Vườn Quốc gia Pù Mát. (Ảnh: Phạm Tâm)

Độc đáo bộ tiêu bản voi rừng

Vườn Quốc gia Pù Mát trải rộng trên địa bàn 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn (Nghệ An). Với hệ sinh thái phong phú, nơi đây là "mái nhà" chung của 82 loài động vật, thuộc 33 họ trong các lớp thú, chim, lưỡng cư và bò sát.

Đặc biệt, có đến 48 loài trong số đó được xếp vào diện nguy cấp, quý hiếm; 26 loài được ghi danh trong Sách đỏ Việt Nam.

Pù Mát không chỉ nổi bật bởi sự đa dạng sinh học, mà còn gây ấn tượng với các hoạt động truyền thông bảo tồn động vật hoang dã khi trưng bày 2 bộ tiêu bản xương voi rừng.

Hai cá thể voi rừng này từng sinh sống tại huyện Con Cuông, được phát hiện chết do già yếu vào đầu năm 2024. Ước tính cả hai đều trên 60 tuổi, nặng khoảng 3 tấn.

 2 cá thể voi được chụp tại Vườn Quốc gia Pù Mát năm 2018.

2 cá thể voi được chụp tại Vườn Quốc gia Pù Mát năm 2018.

Sau khi xin phép các cơ quan chức năng, Vườn Quốc gia Pù Mát thực hiện bảo quản xác voi bằng cách chôn dưới cát để thúc đẩy quá trình phân hủy tự nhiên. Sau đó, toàn bộ xương được làm sạch bằng hóa chất đặc biệt. Mất gần một năm để sắp đặt các phần xương chính xác đến từng chi tiết, từ xương sườn đến xương đuôi.

Khi trưng bày tại khuôn viên của Vườn Quốc gia Pù Mát, 2 bộ tiêu bản thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh. Trở thành minh chứng sống động cho nỗ lực gìn giữ di sản tự nhiên giữa bối cảnh voi hoang dã đang dần biến mất khỏi môi trường sống tự nhiên.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, trong quá trình phục dựng tiêu bản, đơn vị phát hiện chi trước của một con voi từng bị gãy và tự lành lại. Điều này cho thấy cá thể voi này có thể từng gặp xung đột khi tách đàn, hành vi thường thấy ở voi đực trưởng thành.

 Bộ tiêu bản thu hút sự quan tâm của du khách.

Bộ tiêu bản thu hút sự quan tâm của du khách.

Nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã

Tại khuôn viên Vườn Quốc gia Pù Mát đang trưng bày một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, cặp voi mẹ con được tạo hình từ hơn 15.000 bẫy thú rừng. Tác phẩm được hoàn thành từ ý tưởng và hàng chục ngày làm việc giữa giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, kết hợp với lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia.

Sau khi thiết kế xong, hơn 15.000 chiếc bẫy được tháo gỡ từ năm 2018 đến nay cất giữ trong kho, được đưa ra để kết thành cặp voi rừng. Số lượng bẫy thừa khoảng trên 3.000 chiếc được bỏ vào bụng voi mẹ, voi con.

Kết quả, những chiếc bẫy như bẫy kẹp, bẫy dây thòng lọng... được "thổi hồn" thành một biểu tượng đầy xúc động về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Đó vừa là lời cảnh tỉnh, vừa là lời kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ sự sống của muôn loài.

 Cặp mẹ con voi được kết từ hơn 15.000 chiếc bẫy thú.

Cặp mẹ con voi được kết từ hơn 15.000 chiếc bẫy thú.

Nghệ An hiện có hơn 10 cá thể voi rừng, phân bố rải rác tại Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Riêng tại Pù Mát, 7-8 cá thể được ghi nhận, phần lớn là voi trưởng thành, có cá thể già yếu, không còn khả năng sinh sản.

Sự suy giảm nhanh chóng của quần thể voi đang là bài toán lớn với công tác bảo tồn. Nếu không có biện pháp hỗ trợ sinh sản, quản lý sinh cảnh sống và kiểm soát săn bắt trái phép, voi rừng Nghệ An có thể biến mất trong vài thập kỷ tới.

Trước nguy cơ đó, Vườn Quốc gia Pù Mát trình UBND tỉnh Nghệ An và các sở, ngành đề xuất triển khai Dự án khẩn cấp bảo tồn voi, trong đó bao gồm: lập vùng bảo vệ nghiêm ngặt, ứng dụng thiết bị giám sát cá thể, nâng cao năng lực cộng đồng, tổ chức các chiến dịch truyền thông sâu rộng trong người dân.

"Chúng tôi hy vọng việc lưu giữ 2 bộ tiêu bản voi và trưng bày nghệ thuật từ bẫy thú sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, về tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã", ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Với diện tích vùng lõi hơn 94.000ha và vùng đệm rộng khoảng 86.000ha, Pù Mát được xem là một trong những khu rừng có tính đa dạng sinh học cao bậc nhất cả nước. Theo tiếng Thái, Pù Mát có nghĩa là những con dốc cao, đúng với địa hình đặc trưng của khu rừng nguyên sinh này.

Phạm Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doc-dao-tieu-ban-voi-rung-vuon-quoc-gia-pu-mat-post728653.html