Độc đáo trang phục truyền thống của dân tộc Mông trắng
Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là một trong những yếu tố quan trọng để nhận biết, phân biệt giữa các dân tộc với nhau. Cùng với các dân tộc ở các huyện vùng cao, miền núi xứ Thanh, trang phục truyền thống của dân tộc Mông nói chung, dân tộc Mông trắng nói riêng mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện sự khéo khéo, sáng tạo của người phụ nữ Mông.
Phụ nữ dân tộc Mông trắng ở xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát.
Ở Thanh Hóa, dân tộc Mông chia thành các nhóm Mông trắng, Mông đen, Mông hoa… tuy nhiên, dân tộc Mông trắng là phổ biến, sinh sống chủ yếu ở huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa.
Phụ nữ dân tộc Mông khéo léo sáng tạo nên trang phục truyền thống góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Có dịp lên huyện vùng cao Mường Lát - mảnh đất xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa được tận mắt nhìn những cô gái, chàng trai Mông trong những trang phục rực rỡ sắc màu mới thấy hết nét tinh tế trong trang phục của đồng bào dân tộc Mông, được thể hiện trên từng đường thêu, mũi chỉ tạo nên những hoa văn, họa tiết tinh xảo. Trong quá trình lao động, người phụ nữ Mông đã sáng tạo nên những trang phục mang đậm bản sắc văn hóa. Nguyên liệu tạo nên trang phục của dân tộc Mông chính là vải lanh, sợi gai. Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trắng cũng được may, thêu phù hợp với từng hoàn cảnh như sinh hoạt đời thường, ngày cưới, ngày hội…
Anh Ly Ly Pó, người con dân tộc Mông trắng, bản Na Tao, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát là một trong những người khá am hiểu về phong tục, tập quán, văn hóa đồng bào dân tộc Mông thường xuyên chia sẻ điều đó với tôi.
Vừa địu con, một phụ nữ Mông ở bản Nà Ón, xã Trung Lý, huyện Mường Lát đang thêu các hoa văn để làm nên bộ trang phục sặc sỡ.
Đoàn nghệ nhân tỉnh Thanh Hóa trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc Mông trắng trong Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III diễn ra tại tỉnh Lai Châu.
Vừa qua, anh cùng đoàn nghệ nhân tỉnh Thanh Hóa tham dự Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu. Những người con dân tộc Mông Thanh Hóa đem đến cho ngày hội những tiết mục văn hóa, những chương trình đặc sắc và cả nét độc đáo trong đời sống, trang phục, ẩm thực của dân tộc Mông Thanh Hóa cùng giao lưu với dân tộc Mông ở các tỉnh Tây Bắc. Trong đó, nổi bật là màn trình diễn những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mông trắng ở Thanh Hóa.
Trang phục hàng ngày của đồng bào dân tộc Mông trắng được Hơ Thị Phương và Lâu Văn Oanh biểu diễn tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mông.
Trong sinh hoạt hàng ngày, cô gái Mông mặc trang phục gồm áo, quần, thắt lưng và mũ. Chiếc áo khóm ngang lưng hình chữ V, phía sau thêu hoa văn nhiều màu sắc hình chữ nhật, cổ tay có nhiều sọc ngang màu đen làm nổi bật chiếc áo đen của người con gái Mông. Áo khóm được kết hợp với quần ống rộng có yếm, phía trước và phía sau điểm ngang sọc xanh dài giữa yếm. Thắt lưng được quấn ngang bụng làm điểm nhấn, tôn lên vẻ đẹp của người con gái Mông Thanh Hóa.
Còn đối với chàng trang dân tộc Mông, áo khóm ngang lưng, ống tay thêu viền thổ cẩm nhiều màu sắc, quần ống rộng màu đen dài đến mắt cá chân, cạp ngang có dây buộc màu xanh đỏ làm thắt lưng ngang bụng. Bộ trang phục góp phần tôn lên vóc dáng khỏe khoắn, mạnh mẽ của người con trai, tạo sự linh hoạt, gọn gàng trong lao động.
Trang phục ngày hội của chàng trai, cô gái Mông trắng tỉnh Thanh Hóa
Còn Ly Thị Trang và Thao Văn Đông lại đem đến cho người xem trang phục dân tộc Mông vào ngày hội. Vào ngày hội, người con gái Mông mặc áo, váy, tấm vải che trước và sau váy, mũ đội đầu, áo xẻ vạt. Tay áo, vạt áo, cổ áo được thêu hoa văn nhiều màu sắc một cách cầu kỳ và sặc sỡ. Váy màu trắng được xếp ly, khi xòe ra mềm mại như cánh hoa. Phía trước và sau váy được thêu hoa văn đẹp mắt. Đầu đội mũ có gắn những quả bông màu chủ đạo là màu vàng, màu hồng tôn lên sự e ấp, nhẹ nhàng của người con gái Mông khi đi dự ngày hội. Chàng trai Thao Văn Đông trong trang phục nam ngày hội, áo lực ngang lưng có thêu hoa văn, họa tiết hai bên ống tay. Áo khoác ngoài sát nách được đính nhiều hạt cườm, nhiều màu sắc và các đồng xu bằng bạc tạo nên những âm thanh vui nhộn trong ngày hội. Quần ống rộng màu đen có thắt lưng bụng xanh đỏ. Các chàng trai Mông Thanh Hóa đi hội mang theo những nhạc cụ như khèn, sáo để thể hiện tài năng và kêu gọi bạn tình.
Trang phục sặc sỡ góp phần tôn lên sự duyên dáng của người phụ nữ Mông.
Trang phục đặc biệt của dân tộc Mông trắng còn thể hiện trong ngày cưới. Cô gái Hơ Mai Dợ và chàng trai Ly Ly Pó (Mường Lát) trình diễn trang phục ngày cưới trong Ngày hội văn hóa dân tộc Mông. Trong trang phục ngày cưới Hơ Mai Dợ mặc chiếc áo khóm ngang lưng cổ V, phía sau thêu hoa văn nhiều màu sắc hình chữ nhật, cổ tay có hình sọc ngang màu đen. Váy trắng xếp ly được dệt bằng sợi gai. Yếm trước và sau váy xếp ly ngang, cạp yếm thêu hoa văn, có 2 túi chéo đeo ngang hông được đính các đồng tiền, đồng xu bằng bạc. Mũ chất liệu bằng vải lanh đen, viền sọc đen trắng đính những quả bông nhiều màu sắc. Chàng trai Ly Ly Pó trong trang phục nam ngày cưới gồm áo khóm ngang lưng có thêu hoa văn, họa tiết 2 bên ống tay. Áo khoác ngoài được đính nhiều hạt cườm và các đồng xu bằng bạc, có 2 túi chéo 2 bên tượng trưng cho sự giầu sang, sung túc. Quần ống rộng màu đen, có đai thắt lưng trước bụng, thêu hoa văn đặc trưng của núi rừng bằng những sợi dệt nhiều màu sắc. Mũ thêu hoa văn hình ngôi sao và mặt trời, tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc trong ngày trọng đại.
Hơ Mai Dợ và Ly Ly Pó (Mường Lát) trình diễn trang phục ngày cưới trong Ngày hội văn hóa dân tộc Mông.
Có thể nói, khó có dân tộc nào có sự đa dạng, đặc sắc và độc đáo trong trang phục truyền thống như đồng bào dân tộc Mông. Đó chính là sự chắt lọc, sáng tạo trong cuộc sống lao động, người phụ nữ Mông đã khéo léo tạo nên những trang phục mang bản sắc riêng của dân tộc mình, để rồi trong cuộc sống đời thường hay ngày hội, ngày cưới… những chàng trai, cô gái Mông trở nên duyên dáng, xinh đẹp, khỏe mạnh hơn.