Độc đáo tranh chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Định làm từ lá sen khô

Thể hiện thần thái và khí phách của nữ tướng Nguyễn Thị Định, bức chân dung làm từ lá sen khô thu hút sự chú ý của nhiều du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam những ngày này.

Bức tranh chân dung Nguyễn Thị Định được nghệ nhân Lê Văn Nghĩa, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, làm từ lá sen khô, vừa được CLB Di sản Áo dài Việt Nam và CLB Phụ nữ với Di sản văn hóa trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhằm tri ân, tưởng nhớ 31 năm ngày mất của bà Nguyễn Thị Định (26.8.1992 - 26.8.2023).

Chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Định làm từ lá sen khô

Chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Định làm từ lá sen khô

Theo Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Tâm, tác phẩm chân dung Nguyễn Thị Định làm từ lá sen khô bắt nguồn từ tâm nguyện mong muốn tri ân và lưu giữ những hình ảnh cao đẹp về phụ nữ Việt Nam của các thành viên 2 câu lạc bộ.

Sau gần 20 năm kiên trì sưu tập sen, cùng tình yêu và lòng ngưỡng mộ nữ tướng Nguyễn Thị Định, bà Tâm thấy mình cần có trách nhiệm thực hiện bức tranh này để tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - ngôi nhà được bà Nguyễn Thị Định đặt nền móng, dành nhiều tâm huyết cùng các thế hệ lãnh đạo xây dựng.

Kể về quá trình từ lúc lên ý tưởng đến khi đặt nghệ nhân làm tác phẩm, bà Tâm cho biết: “Năm 1984, tôi có cơ hội đến số 39 phố Hàng Chuối, trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nơi bà Định công tác. Tiếp xúc với người phụ nữ miền Nam ấy, tôi thấy thiện cảm từ câu nói, cử chỉ, ánh nhìn. Nhân dịp tưởng nhớ 31 năm ngày mất của bà, tôi xin ý kiến từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để thực hiện mong muốn, tình cảm bấy lâu nay mình hằng ấp ủ”.

Bức chân dung Nguyễn Thị Định là tác phẩm thuộc bộ sưu tập chủ đề "Sen trong đời sống văn hóa Việt" do nghệ nhân Lê Văn Nghĩa, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, thực hiện trong thời gian 3 tháng.

Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Tâm bên bức chân dung bà Nguyễn Thị Định bằng lá sen khô

Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Tâm bên bức chân dung bà Nguyễn Thị Định bằng lá sen khô

Bà Tâm kể, quá trình nghệ nhân Lê Văn Nghĩa thực hiện bức tranh công phu và cầu kỳ. Thông thường, khi nhận lời làm một tác phẩm phong cảnh, ông Nghĩa sẽ mất 1 tháng để hoàn thành. Tuy nhiên, với bức chân dung Nguyễn Thị Định, ông đã nghiên cứu, phác thảo, thực hiện tác phẩm này trong 3 tháng.

Với ông Nghĩa, làm tranh chân dung khác với tranh phong cảnh, công đoạn khó nhất là lên thần, tức là khắc họa cái hồn của nhân vật. Ông Nghĩa và người dân Đồng Tháp nói riêng, người Nam Bộ nói chung đều dành cho bà Định tình cảm đặc biệt. Vì vậy, ông đã bắt được những nét rất riêng trên khuôn mặt nhân vật; nụ cười, ánh mắt, những điểm phải làm nổi khối, cường điệu chi tiết hoặc giảm xuống theo thần thái.

Thông thường, ông Nghĩa tận dụng tất cả là sen để sáng tạo ra 3 loại tranh cơ bản: tranh từ các mảng lá sen, tranh từ gân sen, tranh từ các vụn của lá sen. Bức chân dung bà Nguyễn Thị Định được ông Nghĩa lắp ghép từ các mảng lá sen.

“Khi tôi gặp ông Nghĩa để đặt làm bức chân dung này, tôi rất vui vì thấy ông là người rất có tâm, đồng cảm với ý tưởng, với cách thể hiện của tôi và háo hức nhận lời. Chúng tôi đều có chung ấn tượng về bà Nguyễn Thị Định là một Phó Tổng tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Vì lẽ đó, bức chân dung bà sao cho phải toát lên khí chất, ý chí và nghị lực của một vị tướng. Tôi thực sự ngỡ ngàng và dâng trào cảm xúc khi nhận bức tranh đã hoàn thành từ tay nghệ nhân. Bức tranh nhìn rất rõ lá sen, khăn rằn, gương mặt, áo đều có những gân sen”, bà Tâm chia sẻ.

Trao tặng bức chân dung cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhân sự kiện "Về với sen" ngày 24.8

Trao tặng bức chân dung cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhân sự kiện "Về với sen" ngày 24.8

Tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen được trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam góp phần làm đa dạng hơn các loại hình hiện vật trong bộ sưu tập về bà Nguyễn Thị Định tại bảo tàng để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử và truyền thống cao đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Từ thời điểm bức chân dung đặt tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đã có rất nhiều du khách trong nước và quốc tế tham quan, chiêm ngưỡng.

Bài và ảnh Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/doc-dao-tranh-chan-dung-nu-tuong-nguyen-thi-dinh-lam-tu-la-sen-kho-i341186/