Độc đáo tranh dân gian đồ thế Việt Nam
Với nhiều người tranh dân gian đồ thế vẫn là một khái niệm lạ lẫm. Tuy nhiên, đây lại là một trong những dòng tranh xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam, phục vụ cho đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt.
Chiều ngày 22/5, tại Không gian văn hóa Đình Làng Việt đã diễn ra buổi tọa đàm “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam”. Tham dự có TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế; TS Trần Đoàn Lâm - nhà nghiên cứu văn hóa; nhà sưu tầm, nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa; nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình,… và đông đảo những người mộ điệu văn hóa, nghệ thuật.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, nhà sưu tầm, nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa đã trình bày một cách sơ lược về dòng tranh dân gian đồ thế Việt Nam để công chúng có cái nhìn khái quát về dòng tranh đặc biệt này. Theo nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, tranh dân gian đồ thế Việt Nam có lẽ là dòng tranh xuất hiện sớm nhất trong các dòng tranh dân gian Việt Nam vì nó là dòng tranh phục vụ cho tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt Nam. Bên cạnh nhu cầu tồn tại về các khía cạnh vật chất, con người còn có nhu cầu về tinh thần, cần được có cảm giác an toàn. Con người còn tồn tại thì còn tôn giáo, tín ngưỡng. Nếu như tranh dân gian kính hiện nay chỉ phổ biến ở Nam Bộ, tranh Hàng Trống, Đông Hồ phổ biến ở Bắc Bộ thì tranh dân gian đồ thế của người Kinh Việt Nam hiện diện ở mọi nơi, hiện diện vào các lễ nghi vòng đời của con người (trừ đám cưới), hiện diện ở ngày rằm, mồng một…
Mặt khác, có thể khẳng định một trong những thành tố cấu thành nên văn hóa Việt Nam là tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục. Tranh dân gian đồ thế Việt Nam lại là một thành tố trong tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục đó. Chính vì thế, gìn giữ, bảo tồn được tranh dân gian đồ thế Việt Nam cũng là gìn giữ và bảo tồn được văn hóa Việt Nam.
Tranh đồ thế là tranh được dùng trong các nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng với chức năng là vật phẩm hiến tế những đối tượng được thờ cúng (thần linh hoặc linh hồn của những người đã chết). Tranh đồ thế có hai loại, tranh đồ thế cung đình và tranh đồ thế dân gian. Cho đến nay, tranh đồ thế cung đình chỉ còn lại một mẫu duy nhất của cung đình Huế, đó là tranh một thế nữ được tô màu kín, nét vẽ chỉn chu. Những tranh được dân gian sử dụng gọi là tranh đồ thế dân gian. Dù cung đình hay dân gian cũng đều sống chung trong tam giáo (Phật – Lão - Nho) nên các bộ tranh đều theo một nguyên lý chung. Chỉ có điều tranh đồ thế cung đình là tranh vẽ, in kĩ khác với tranh dân gian đồ thế.
Ở Việt Nam, thông thường mỗi vùng miền đều có một hộ gia đình/làng tranh sản xuất tranh đồ thế để cung cấp cho nhân dân quanh vùng. Vùng nào có các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng càng mạnh thì nghề tranh càng phát triển như trường hợp tranh làng Sình (Huế).
Tranh dân gian đồ thế có 3 loại chất liệu: kính, cắt trổ giấy và in tô trên giấy. Dù có cách thể hiện, chất liệu khác nhau nhưng tranh đồ thế có chung một công năng sử dụng.
Tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt được thể hiện sâu sắc trong tranh dân gian đồ thế Việt Nam. Có thể kể đến như: Tín ngưỡng giải hạn cầu an; Tín ngưỡng thờ bà bản mệnh/ bổn mạng/độ mạng; Tín ngưỡng thờ Kim Hoa Thánh Mẫu/Kim Huê Thánh Mẫu/Kim Hoa nương nương/Mẹ Sanh; Cúng quan sát; Tín ngưỡng thờ cúng Táo quân; Tín ngưỡng thờ hổ; Tín ngưỡng thờ cúng cô hồn/chúng sinh;…
Theo quan điểm nghiên cứu của nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, việc sử dụng đồ thế/tranh đồ thế có hai hiện tượng: Đồng quy văn hóa và giao thoa văn hóa. Dân tộc nào cũng có tín ngưỡng, tôn giáo, thật khó có thể tìm ra một dân tộc nào không sử dụng đồ thế trong các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo – đó là một sự sáng tạo của loài người để phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện cuộc sống. Tranh dân gian đồ thế Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa Trung Quốc từ giấy và kĩ thuật in (đối với tranh dân gian đồ thế in tô từ mộc bản). Các nghi lễ trong tín ngưỡng, tôn giáo thì chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, trong nghi lễ đốt hoặc thả tranh xuống nước… Tranh dân gian đồ thế Việt Nam mang tính vùng miền rõ nét, vùng duyên hải Nam Trung Bộ mang tính biển, vùng Nam bộ mang tính nước còn vùng đồng bằng Bắc Bộ lại nhạt tính biển, yếu tố đất, rừng và nước rõ nét. Vì vậy, nội dung tranh đồ thế dân gian Việt Nam biến chuyển linh hoạt theo các yếu tố đó. Qua tranh đồ thế dân gian Việt Nam có thể nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán của từng khu vực.
Cũng như các dòng tranh dân gian khác, tranh dân gian đồ thế cũng biến đổi theo thời gian. Khi kinh tế, xã hội phát triển thì tranh đồ thế cũng phát triển, khi chiến tranh hoặc khi Nhà nước cấm thì tranh dân gian đồ thế lại sản xuất cầm chừng, mất đi một số mẫu tranh, phôi phai một số tranh hoặc phong tục.
Có thể khẳng định tranh dân gian đồ thế có vị thế quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Vì trước hết, dòng tranh dân gian đồ thế Việt Nam chủ yếu là tranh in khắc từ mộc bản, số lượng và kiểu tranh khá dồi dào và phong phú. Có loại tranh chỉ toàn mảng. Có loại tranh chỉ toàn nét. Có loại kết hợp cả nét lẫn mảng. Đừng tưởng chỉ mảng in màu đen sì thì xấu. Những tranh đồ thế gia súc, gia cầm, thủy cầm như lợn, trâu, bò, ngựa, voi, gà… hay cá đôi khi có tạo mảng đầy gợi cảm. Điển hình là tranh đồ thế Lợn độc của Kim Hoàng: chỉ căn cứ vào mảng đen gốc thì đầy thiếu sót, nhưng khi in trên nền màu, đỏ, cam hay hồng điều và phối hợp vẽ thêm nét đen trắng thì tờ tranh sinh động và đẹp hồn hậu đến bất ngờ. Một số những vị thần có đầu là người, thân là cá, rắn cũng thể hiện sự chuyển biến trong nếp nghĩ của nhân dân ta từ xưa, nhân cách hóa các loài động vật, trong quá trình biến chuyển đến những hình ảnh là các vị thần có thân thể như con người.