Độc đáo tranh hạt gạo của người đàn ông khuyết tật

Sau biến cố xảy ra năm 9 tuổi, với niềm đam mê nghệ thuật, người đàn ông khuyết tật ở Quảng Bình đã vượt lên số phận để thả hồn vào những bức tranh gạo độc đáo.

Nghị lực vươn lên của người đàn ông khuyết tật thả hồn vào bức tranh gạo.

Nghị lực vươn lên của người đàn ông khuyết tật thả hồn vào bức tranh gạo.

Anh Lê Trường Giang (38 tuổi, ở thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Lúc nhỏ, anh cũng khỏe mạnh như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Tuy nhiên, biến cố xảy ra vào năm 9 tuổi, trong 1 lần đi chăn bò giúp gia đình, không may gặp quả bom phát nổ, Giang bị nhiều mảnh đạn găm vào người.

Tỉ mỉ nhặt từng hạt gạo để ghép thành bức tranh hoàn chỉnh.

Tỉ mỉ nhặt từng hạt gạo để ghép thành bức tranh hoàn chỉnh.

Dù nỗ lực điều trị, cơ thể anh vẫn teo tóp dần, sức khỏe giảm sút hẳn, các khớp xương bị vôi hóa… Đốt sống cổ trở xuống khung xương chậu của anh bị liệt hoàn toàn. Sau thời gian tập hồi phục, anh khập khiễng đi lại được và đôi bàn tay được hoạt động bình thường. Đôi bàn tay đã giúp anh hoàn thành ước mơ còn dang dở.

...thả hồn vào bức tranh gạo.

...thả hồn vào bức tranh gạo.

"Lúc còn nhỏ tôi thích vẽ tranh, trong lớp học, môn mỹ thuật của tôi luôn được thầy, cô đánh giá cao. Sau này, vì lý do sức khỏe nên tôi không thể theo học cấp 3, gác lại giấc mơ thi vào trường Đại học Mỹ thuật. Tuy nhiên, trong lần tình cờ lướt mạng xã hội, tôi biết đến dòng tranh bằng gạo và suy nghĩ về việc theo đuổi nghề cứ hiện ra trong đầu tôi", anh Giang tâm sự.

Nội dung những bức tranh của anh Giang chủ yếu là về đời sống, cảnh vật và con người Quảng Bình.

Nội dung những bức tranh của anh Giang chủ yếu là về đời sống, cảnh vật và con người Quảng Bình.

Anh Giang tìm vào tỉnh Kon Tum để theo học một khóa ngắn về cách làm tranh gạo. Sau thời gian học tập với sự nỗ lực của bản thân, anh trở về quê và gắn bó với nghề này để mưu sinh.

Bước đầu tiên để làm nên một tranh gạo đẹp là lên ý tưởng, sau đó, chọn hình và canh tỷ lệ. Tiếp đến, anh vẽ lại trên giấy cứng hoặc ván ép rồi chọn màu gạo và gắp từng hạt gạo gắn lên bức tranh đã được phết keo sữa. Bước cuối là phun sơn PU để bảo quản tranh lâu hơn.

Tranh gạo có mùi thơm rất riêng biệt, tạo nên sự dễ chịu, thoải mái, nhẹ nhàng.

Tranh gạo có mùi thơm rất riêng biệt, tạo nên sự dễ chịu, thoải mái, nhẹ nhàng.

"Làm nên tác phẩm tranh gạo đẹp, chất lượng, rất mất thời gian. Ngoài việc chọn màu gạo, người thợ phải biết lựa chọn lúc nào "đi" gạo đứng, lúc nào "đi" gạo nằm, khi nào dùng gạo nguyên hạt và ở đường nét nào dùng gạo tấm… Đặc biệt, hạt gạo dùng làm tranh phải là gạo rang. Trong lúc rang, phải làm sao hạt gạo không bị nở bung, gãy, hoặc cháy và phải cho ra màu đẹp", anh Giang nói.

Anh Giang có thể tạo ra 24 màu khác nhau từ hạt gạo. Tùy từng chi tiết, sẽ dùng gạo nếp hay gạo tẻ, màu nhạt hay đậm, đen hay trắng...

...thả hồn vào bức tranh gạo.

...thả hồn vào bức tranh gạo.

Tranh gạo có mùi thơm rất riêng biệt, tạo nên sự dễ chịu, thoải mái, nhẹ nhàng. Làm tranh gạo cần phải có sự kiên trì, nhẫn nại. Bởi để tạo nên một bức tranh gạo, người họa sĩ phải tỉ mỉ nhặt từng hạt gạo một để ghép thành một bức tranh hoàn chỉnh. Có những bức tranh chỉ cần vài ba ngày là xong, nhưng cũng có những bức tranh anh Giang phải mất cả tháng trời mới hoàn thành.

Đến nay, anh Giang đã bán được hơn 500 bức tranh có giá thành dao động 500.000 - 800.000 đồng/bức. Tùy vào kích cỡ, độ chi tiết, có bức tranh lên đến vài triệu đồng.

Làm tranh gạo giúp anh Giang rất nhiều trong việc rèn tâm trí, luyện tâm được tịnh.

Làm tranh gạo giúp anh Giang rất nhiều trong việc rèn tâm trí, luyện tâm được tịnh.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề tranh gạo, trong kho tranh gạo của anh Giang đã có hàng trăm tác phẩm, từ tranh phong cảnh đến tranh thư pháp.

Anh Giang chia sẻ, làm tranh gạo giúp anh rất nhiều trong việc rèn tâm trí, luyện cho tâm được tịnh, nhờ đó mà anh cũng ngày càng thoải mái yêu đời hơn.

Minh Phương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/doc-dao-tranh-hat-gao-cua-nguoi-dan-ong-khuyet-tat-post461522.html