Loại quả xưa đầy không ai hái, giờ thành đặc sản được dân thành phố 'săn lùng', 90.000 đồng/kg
Hiện tại đặc sản này được bán tại các chợ ở vùng sông nước miền Tây với giá 70.000 - 90.000 đồng/kg.
Vùng Tây Nam bộ có nhiều loại quả đặc sản gắn liền với ký ức tuổi thơ và gây thương nhớ cho người xa quê. Trong đó, chúng ta không thể không kể đến trái cám - loại quả mọc trên cây cám (dây cây cám), có tên khoa học là Sarcolobus globosus wall, thuộc họ thiên lý (Asclepiadaceae).
Trái cám bên ngoài có lớp vỏ sần sùi, nhiều mủ, sau đó là một lớp “xốp xốp” y hệt cùi bưởi. Bóc xong phần cùi sẽ hiện ra phần vẩy y hệt vẩy cá, nhân trong của trái cám có hình thù như con cá.
Chị Minh Thảo (31 tuổi, Sóc Trăng) cho biết, cây cám cho 2 loại: cây dây và cám núi. Cám dây được nhiều người biết đến và có thể ăn được, còn cám núi thuộc dạng thân lấy gỗ.
"Trái cám cám dây vô cùng đặc biệt, phần nhân bên trong có hình con cá, có lớp bảo vệ giống vảy cả. Vì thế ở một số nơi người ta gọi là trái cá.
Xưa ở quê mình có rất nhiều cây cám dây cho quả nhưng ít người hái ăn vì nghĩ đó là quả dại. Sau này nó bỗng trở thành loại quả được khách du lịch tìm kiếm nên trở thành đặc sản nổi tiếng. Từ đó người dân bắt đầu đi hái và đem ra chợ bán phục vụ du khách", chị Minh Thảo nói.
Cách thưởng thức loại quả đặc sản này vô cùng độc lạ. Theo đó ai muốn ăn trái cám cần loại bỏ phần vỏ xốp bên ngoài, sau đó bóc các lớp như vảy cá bọc quanh cùi bên trong. Nhân bên trong có màu trắng hoặc hơi ngả vàng, khi ăn có vị ngọt giống sắn, cũng có người cho rằng vị của trái cám giống bọng dừa.
Cũng theo chị Minh Thảo, một số người dân quê chị ngoài ăn trực tiếp trái cám còn sử dụng nó làm mứt. Theo đó người ta chọn quả lúc còn xanh, bổ đôi ra, loại bỏ hạt, rửa sạch, phơi trong bóng râm 8 ngày rồi đun sôi với si rô.
Hiện tại trái cám được bán tại các chợ ở vùng sông nước miền Tây với giá 70.000 - 90.000 đồng/kg. Thậm chí trên các trang thương mại điện tử cũng rao bán loại quả dại này.
"Trái cám gắn liền với tuổi thơ của nhiều người miền Tây. Bởi vậy những người xa xứ luôn khát khao được thưởng loại quả này thêm một lần nữa. Đó cũng là một phần lý do loại quả này được bán rộng khắp, đáp ứng nhu cầu của người gốc miền Tây", chị Minh Thảo nói.
Hồng Loan (25 tuổi, Hà Nội) cho biết, cô nàng sinh ra và lớn lên tại thủ đô nên không biết các loại trái cây vùng quê, nhất là vùng sông nước. Một lần cô cùng gia đình đến miền Tây du lịch có thấy người dân bán loại quả lạ, chưa thấy bao giờ. Sau đó cô hỏi tên thì người bán nói là trái cám, chỉ ăn được phần nhân bên trong.
"Lần đầu tiên mình thấy và được thưởng thức loại quả này. Nó mát mát giống như củ đậu ngoài Bắc nhưng vị lại ngọt như bọng dừa. Mình có cảm giác lạ lạ khi thưởng thức đặc sản này.
Vì thế sau lần đó, mình cứ vấn vương mãi mà không biết tìm mua kiểu gì. Mình có lên chợ online để tìm nhưng rất ít người bán. Nếu được quay lại miền Tây, mình sẽ tìm mua về cho bạn bè thưởng thức cùng", Hồng Loan nói.