Giới trẻ
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, Pavilion “Rồng rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Số 1 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thu hút được nhiều khách đến tham quan.
Lấy cảm hứng từ trò chơi dân gian Rồng rắn lên mây, kiến trúc sư Nguyễn Công Hiệp và cộng sự từ CA' Library đã lên ý tưởng và sáng tạo công trình có hình thái uốn lượn rất độc đáo, mới lạ.
Kiến trúc sư Nguyễn Công Hiệp (đứng thứ 3 từ trái sang, áo đen) cho biết: “Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một trong 7 di sản trong trục “Giao lộ sáng tạo” của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. Pavilion “Rồng rắn lên mây” được xây dựng góp phần tô điểm thêm của cảnh quan bảo tàng, thu hút mọi người đến ngắm nhìn và tìm hiểu lịch sử về công trình di sản này”.
Hơn nữa, Pavilion “Rồng rắn lên mây” tái hiện qua biểu tượng trò chơi dân gian như đưa người xem tham gia một cuộc đối thoại giữa những yếu tố đương đại với vẻ cổ kính của khuôn viên bảo tàng.
Điểm đặc biệt của Pavilion “Rồng rắn lên mây” chính là việc hầu hết các vật liệu xây Pavilion được tái sử dụng các tấm inox gương từ Pavilion tên là "Bến chờ" ở Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Xen kẽ trong Pavilion “Rồng rắn lên mây” là các tác phẩm sắp đặt “Tỷ lệ có phải là vấn đề?” - trưng bày các mô hình công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở các tỷ lệ và các chất liệu khác nhau.
Các mô hình về bảo tàng được kiến trúc sư tỉ mỉ thực hiện với nhiều tỷ lệ từ 1:2000 tới 1:75.
Khách tham gia có thể nhìn ngắm và khám phá dáng vẻ của công trình từ nhiều góc độ để hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử và phong cách kiến trúc của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Các du khách có thể tìm hiểu để hiểu hơn về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thông qua các mô hình thông tin được sắp xếp tại Pavilion.
Nhiều bạn trẻ và em nhỏ rất thích thú trải nghiệm lắp ráp mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bằng gỗ.
Là tình nguyện viên của công trình, bạn Trương Thị Ngọc Mai (quận Ba Đình, TP Hà Nội) chia sẻ: “Công trình biểu tượng Rồng rắn lên mây cho tôi cảm giác vừa được thưởng thức và tìm hiểu lịch sử thông qua một không gian kiến trúc đầy sáng tạo. Đây là cách tiếp nhận các kiến thức lịch sử rất thú vị. Đồng thời, điều khiến tôi ấn tượng chính là việc công trình được chuẩn bị rất chỉn chu, mang nhiều tâm huyết và dấu ấn cá nhân của các kiến trúc sư”.
Công trình biểu tượng “Rồng rắn lên mây” cũng là điểm đến khơi gợi sự thích thú vui chơi và tìm tòi của những thế hệ trẻ, từ đó liên kết với công trình di sản và kho tàng lịch sử đang được lưu trữ và trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Pavilion “Rồng Rắn lên mây” mở cửa đón khách tham quan từ ngày 9/11 đến 17/11/2024, hứa hẹn trở thành không gian giao lưu, khám phá lịch sử đầy bổ ích và thú vị.
Mộc Miên - Tuyết Linh