Độc đáo trò đánh quay tại huyện biên giới Bình Liêu

Đầu xuân năm mới, tại các thôn, bản của huyện vùng cao Bình Liêu rộn ràng, tươi vui hơn bởi các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, đặc biệt là trò đánh quay (đánh gụ) mang nhiều bản sắc văn hóa dân tộc…

 Chơi quay là "món ăn tinh thần" không thể thiếu của người đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Chơi quay là "món ăn tinh thần" không thể thiếu của người đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Trong dịp lễ Tết, trò chơi dân gian đánh quay như một món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Bình Liêu.

Để làm con quay phải chọn thân cây gỗ tốt rồi phơi khô, đường kính từ 10 đến 20 cm, tùy thuộc dùng cho nam hoặc nữ. Con quay dành cho phái nữ nhỏ hơn của nam. Mặt dưới hình chóp nón, đầu chóp được đóng một cây đinh nhỏ, hai đầu bằng nhau, không có mũi nhọn.

 Những con quay được làm riêng cho phái nữ có kích thước vừa phải.

Những con quay được làm riêng cho phái nữ có kích thước vừa phải.

Người chơi phải dùng một đoạn dây dài khoảng 4 m, buộc cố định một đầu vào khúc cây dài khoảng 50 cm, dây sẽ được cuốn đều vào con quay rồi đánh. Để có lực đánh mạnh và con quay quay được lâu hơn, chị em cần quấn dây thật chặt, không để dây chồng chéo lên nhau.

 Các chị em phụ nữ hào hứng với trò đánh quay.

Các chị em phụ nữ hào hứng với trò đánh quay.

Trò chơi đánh quay được diễn ra trên nền đất rộng và bằng phẳng, Chơi đánh quay cần có ít nhất 2 người, khi chơi người chơi phải dùng lực của toàn thân để đánh quay xuống đất. Lượt chơi đầu tiên cả 2 đội xuống quay cùng lúc, bên nào quay được ít hơn thì lượt 2 phải xuống quay trước.

 Một pha chọi trúng đích vào con quay của đối thủ.

Một pha chọi trúng đích vào con quay của đối thủ.

Bên còn lại phải tìm cách chọi trúng con quay của đối thủ mới được tính điểm và người cùng chơi tiếp theo phải tìm cách chọi trúng vào con quay của đối thủ khiến nó ngừng quay. Có nhiều trường hợp do lực đánh mạnh khiến con quay của đối thủ vỡ đôi. Bên nào có nhiều con quay còn trụ lại và thời gian quay được lâu hơn là đội thắng cuộc.

 Những người thua ở lượt 1 phải quay trước ở lượt 2.

Những người thua ở lượt 1 phải quay trước ở lượt 2.

Ngoài ra, tại nhiều nơi còn hình thức thi quay trên tấm gỗ, con quay của ai quay được lâu trên tấm gỗ hơn sẽ thắng. Người chơi đánh quay phải dùng lực toàn thân để đánh quay xuống đất, Theo luật chơi một đội sẽ quay con quay còn đội kia sẽ đánh (bổ) quay, sau đó họ dùng khúc cây hất con quay lên miếng đáy của chiếc bát rồi di chuyển cho lên bàn gỗ để thi, con nào quay lâu thì sẽ thắng. Những con quay được thi trên bàn gỗ có thể quay được 5 đến 7 phút, có khi lên đến hàng chục phút.

 Không chỉ có người lớn, trẻ em cũng tham gia đánh quay trong ngày đầu xuân, năm mới.

Không chỉ có người lớn, trẻ em cũng tham gia đánh quay trong ngày đầu xuân, năm mới.

Người chơi mong cho con quay của mình được quay lâu, quay tít cũng là sự thể hiện một quan niệm nhân sinh. Đó là mong ước có được sức khỏe, sự dẻo dai để chinh phục được thiên nhiên, duy trì cuộc sống trên những đỉnh non cao vời vợi.

Khánh Quyên - Hoàng Gái

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/doc-dao-tro-danh-quay-tai-huyen-bien-gioi-binh-lieu-134583.html