Tưởng đồng điệu mà khác biệt

Khi ông Trump thất cử nhiệm kỳ hai, và cả những khi ông bị đưa ra tòa, nhiều nghệ sĩ Mỹ tỏ ý tiếc nuối và càng tung hô ông. Khi một tổng thống đem quân đi xâm lược một nước láng giềng, ông ta bị cả thế giới lên án và cô lập, nhiều nghệ sĩ lại tỏ lòng sát cánh bên ông.

Có hẳn một hội chứng thương xót các chức sắc tha hóa phải về vườn, mà trong đám thương xót có nhiều văn nghệ sĩ.

Một quan chức tội ác đầy mình, chỉ vì tham tàn mà hủy hoại bao nhiêu nhân mạng, nhưng khi bị đưa ra tòa thì lại có nghệ sĩ tham gia tìm giúp luật sư bảo vệ và kháng cáo.

Một quan chức khác bỏ túi hàng triệu đô la tiền dân, nhưng khi bị phế truất thì lại có nghệ sĩ kích động dư luận rằng anh ấy là người hiền lành tử tế. Thậm chí còn giãi bày kỷ niệm rằng anh ấy là người yêu văn nghệ, trân trọng văn nghệ sĩ, và họ vẫn còn nhớ những lần được anh hỗ trợ thực hiện chương trình phát triển sân khấu và âm nhạc, vân vân.

*

Phần nhiều chính khách đều xuất thân từ những người hoạt động phong trào. Ở phương Tây, họ thường khởi đầu sự nghiệp bằng cách tham gia vào các tổ chức chính trị hoặc các câu lạc bộ hoạt động xã hội. Họ bắt đầu bằng những việc như làm thành viên tuyên truyền trong các chiến dịch tranh cử vào hội đồng ở huyện ở hạt, lên đến hội đồng lập pháp ở tỉnh ở bang. Họ làm cổ động viên hoặc thư ký chạy việc cho các ứng cử viên chạy đua vào chức thống đốc bang và các chiến dịch tranh cử tổng thống liên bang.

Ở nhiều nước, họ khởi nghiệp bằng công tác công đoàn, câu lạc bộ phụ nữ, hội sinh viên, các phong trào xã hội. Làm công tác thanh niên trong các trường học không cần là sinh viên giỏi, học hành tàm tạm là được, nhưng cần người năng động hoạt ngôn, nói năng có vành có vẻ. Có thể phải được ưu tiên kết quả ở một vài môn học nhưng bù lại họ không nề hà bất cứ một công việc nào tổ chức phân công. Họ có khả năng sử dụng những phương tiện tuyên truyền như cờ đèn kèn trống, có khả năng nói những ý đẹp lời hay lôi cuốn đám đông. Khi cần hát họ hát, khi cần múa họ múa, khi cần đọc thơ trích dẫn danh ngôn, khi cần tổ chức dạy hát múa tập thể lôi kéo quần chúng và thúc đẩy phong trào… họ đều hăng hái nhiệt tình.

Bức tranh nhà hát opera quốc gia Vienna, do A. Hitler vẽ năm 1912. Ảnh: TL

Bức tranh nhà hát opera quốc gia Vienna, do A. Hitler vẽ năm 1912. Ảnh: TL

Nói cách khác, họ có máu văn nghệ, họ yêu thích thứ nghệ thuật bình dân, điều sau này sẽ giúp một chính khách rất nhiều trong sự nghiệp dân vận và quyến rũ đám đông.

Sẽ là điều tất nhiên, khi chính các thành viên này trở thành chính khách, họ luôn tỏ ra ưu ái văn nghệ sĩ. Chưa hẳn là yêu thích và phục tài, có khi biểu lộ trân trọng và cảm tình với nghệ thuật chỉ là một phương pháp dân túy mua điểm mua phiếu. Nghệ thuật với họ chỉ là con cá cảnh con chim cảnh, nhưng biết vuốt ve nuôi nấng thì chim ca cá lượn cho vui khi cần, con công sẽ xòe đuôi múa may cho đẹp mắt họ và cho bề trên của họ. Biết tận dụng thì những cái tưởng như phù phiếm đó cũng hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp chính khách. Thậm chí một chính khách càng khiến cho công chúng rung cảm khi ông ta chứng tỏ mình còn biết làm thơ viết văn, biết ca biết múa với các cháu nhi đồng, biết vũ quốc tế và nhảy múa tập thể với thanh niên, biết hát bài ca dĩ vãng với các cụ hưu trí, biết đọc những câu thơ hoa mỹ với quần chúng phụ nữ, biết bình luận đôi ba câu về sân khấu điện ảnh mỹ thuật âm nhạc.

Văn nghệ sĩ thường tình dễ rung cảm và nhẹ dạ. Được vị chức sắc mời đến biểu diễn hoặc mở lớp dạy hát dạy vẽ cho phong trào quần chúng, được mời làm tư vấn các vấn đề nghệ thuật, được tặng huy hiệu giải thưởng kỷ niệm chương… Chỉ thế nghệ sĩ đã tin rằng mình được ưu ái được trân trọng, rằng chức sắc am hiểu nghệ thuật và thực tâm có chiến lược phát triển văn hóa nghệ thuật. Từ rung động chuyển dần sang cảm xúc hàm ơn. Nghệ sĩ thấy mình được yêu thương và nghệ sĩ đền đáp bằng cách yêu thương trở lại.

*

Dễ hiểu là khi vị chức sắc sai phạm, bị về vườn, thì nghệ sĩ thuộc số những người đầu tiên choáng váng và thương cảm. Không tin được dù đó là sự thật. Cõi trần ai tưởng như chỉ bạc bẽo với văn nghệ sĩ, bây giờ hóa ra nó lại cũng nghiệt ngã với cả những chức sắc hiền hậu tử tế. Nói là hiền hậu tử tế vì nghệ sĩ đã ghi lòng tạc dạ sự ưu ái khi xưa của chức sắc ấy đối với mình. Như trên đã nói, có nghệ sĩ mang cả danh tiếng của mình ra để kêu gọi quần chúng ủng hộ người đứt gánh giữa đường, có nghệ sĩ đi đập các cánh cửa công quyền để kêu cầu cho người phải ra tòa, có nghệ sĩ lui tới thăm nuôi người “tử tế” trong chốn lao tù. Một mặt nào đó, đấy là họ biết sống có trước có sau, trung thành, chung thủy.

Anh chị ấy là người hiểu biết, nhân hậu, hiền lành.

Tâm lý nhẹ dạ dễ dãi không chỉ có ở văn nghệ sĩ thường tình. Nó còn gắn với đa số bình dân vốn không có khả năng nhìn nhận vào chiều sâu của vấn đề. Khi nghe tin về một kẻ sát nhân, người nhà bạn bè hàng xóm đều tỏ ra bàng hoàng, hầu như ai cũng nói rằng ở nhà, đó là một người hiền lành và biết điều. Ở nhà cháu nó ngoan lắm. Mấy ai đi được vào trong sâu thẳm tâm địa một con người để có thể biết những quay quắt khó lường ở trong ấy, để mà thấy được xanh vỏ đỏ lòng, sói đội lốt cừu.

Những ông trùm mafia khi bị bắt bị xử, vẫn thường kéo theo phần hậu là số đông người nghèo làm đơn xin ân xá cho ông ta. Một ông trùm có thể là người cùng lúc dùng ma túy giết hại hàng vạn người nhưng lại từng làm từ thiện cho hàng trăm người khác.

Hàng trăm người đó khắc cốt ghi tâm tấm lòng thiện lương trời biển, sống tết chết giỗ.

Nghệ sĩ hơn ai hết là người biết rung động trước cái đẹp và căm ghét cái xấu cái ác. Nghệ sĩ cũng hơn ai hết là người nhẹ dạ cả tin, nhiều khi ảo tưởng trông gà hóa cuốc, cũng rất nhiều khi trái tim đặt nhầm chỗ, mặc kệ cho người đời nói ngả nói nghiêng.

Họ ngây thơ và đáng thương khi đối diện với mưu sâu kế hiểm, trước thói tham lam và đạo đức giả của một thế lực không thể nào dò sâu xuống tận đáy lòng. Sự cảm tính và nhẹ dạ đã che mờ lý trí và từ chối phán xét phân định.

Không phải nghệ sĩ nào cũng cảm tính và nhẹ dạ cũng như không phải chính khách nào cũng tận dụng văn nghệ trên hành trình quan lộ. Cũng có những nghệ sĩ tham gia vào chính trường, người thành công, người thất bại. Cũng có những nghệ sĩ không hề ngây thơ mà tìm đến chính khách để được hưởng ân sủng bổng lộc. Cuộc dan díu này dù sao cũng quá chênh lệch về thủ đoạn và phần tan vỡ ảo mộng phần nhiều thuộc về nghệ sĩ.

Hội họa cũng là đam mê của Thủ tướng Anh Winston Churchill. Ảnh: TL

Hội họa cũng là đam mê của Thủ tướng Anh Winston Churchill. Ảnh: TL

Tuy nhiên đồng thời cũng có những nghệ sĩ đủ sâu sắc để nhìn ra chân tướng được bao phủ bằng vẻ nhân từ thiện chí bên ngoài và chủ động tránh xa đường ranh giới. Nhà văn Anh Rudyard Kipling nói “Đông là Đông, Tây là Tây, hai cái đó không bao giờ gặp nhau được” (East is East and West is West, and never the twain shall meet). Hai cái đó không bao giờ gặp nhau - có thể câu nói đó cũng áp được vào trường hợp này, dù đã có rất nhiều nỗ lực và ảo tưởng xóa nhòa khoảng cách.

Mặt khác, cũng có những chính khách thực sự yêu thích nghệ thuật và bản thân họ cũng là những nghệ sĩ đáng kể. Thủ tướng Anh Winston Churchill từng vẽ hàng trăm bức tranh và viết sách, thậm chí còn đoạt giải Nobel văn chương năm 1953. Václav Havel tổng thống Tiệp Khắc, sau đó là tổng thống Cộng hòa Czech, còn được thế giới biết đến là một nhà thơ nhà viết kịch tầm cỡ. Tổng thống Mỹ Barack Obama là người biết tự viết sách và luôn khuyên người làm chính trị nên đọc tiểu thuyết để được trải nghiệm một lúc nhiều cuộc đời. Chỉ riêng ở thời hiện đại, vẫn còn nữa những chính khách là nghệ sĩ thực thụ trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật. Họ khác với những chính trị gia khi có quyền lực trong tay thì phải tìm kiếm thêm những danh hiệu văn nghệ để ảo tưởng về tài năng của mình. Những chính khách đa tài này luôn theo đuổi việc hiện thực hóa mô hình chính trị mà họ coi là lý tưởng.

Đó là những bậc ngoại hạng. Còn ở đây ta đang nói về đa số những nghệ sĩ thường tình và những chính khách thường tình.

Họ là hai thế giới khác biệt, có khi hai thế giới ấy từng xích lại gần nhau trong một khoảnh khắc nhờ nhầm lẫn và ngộ nhận, nhưng sự ngây thơ nhẹ dạ đặt bên cạnh toan tính và mưu đồ thì tất cũng đến ngày tan vỡ ảo tưởng cho cả đôi bên.

Tiểu luận Hồ Anh Thái

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tuong-dong-dieu-ma-khac-biet-44252.html